Tọa đàm do Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế và HSBC Việt Nam đồng chủ trì.
Tọa đàm còn có sự tham dự của bà Stephanie Betant, Giám đốc cấp cao khối Dịch vụ Tài chính Doanh nghiệp, HSBC; ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế; ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán; ông Đỗ Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 2 - Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng và đại diện một số đơn vị thuộc NHNN: Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Pháp chế, Vụ Dự báo Thống kê, Vụ Tài chính - Kế toán, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Cục Công nghệ Thông tin và đại diện các Khối của Ngân hàng HSBC…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ, hiện nay, theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, thì nghiệp vụ L/C được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành và tập quán thương mại khác không trái với pháp luật của Việt Nam. Trong thời gian qua, NHNN đã ban hành một số văn bản hướng dẫn liên quan đến nghiệp vụ chiết khấu bộ chứng từ kèm L/C.
Đồng thời, trong quá trình triển khai áp dụng tập quán thương mại quốc tế để thực hiện nghiệp vụ L/C, một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có văn bản đề nghị NHNN hướng dẫn cụ thể về một số nội dung như: (i) việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain để thực hiện giao dịch thư tín dụng; (ii) việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế trong L/C nội địa; (iii) việc thực hiện nghiệp vụ chiết khấu bộ chứng từ không hối phiếu (như xác định bản chất nghiệp vụ, phân loại, trích lập dự phòng và hạch toán kế toán); (iv) hạch toán kế toán trong nghiệp vụ UPAS L/C; (v) thuế GTGT đối với khoản thu từ L/C.
Để có thêm cơ sở nghiên cứu phương án quản lý đối với nghiệp vụ L/C, ông Nguyễn Xuân Bắc cũng chia sẻ, tọa đàm về nghiệp vụ tín dụng chứng từ lần này nhằm trao đổi, chia sẻ sâu hơn về thực tế nghiệp vụ L/C, bản chất các giao dịch L/C; các nghiệp vụ/ sản phẩm mới, việc áp dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ L/C; cũng như kinh nghiệm quản lý của Ngân hàng Trung ương các quốc gia; quy định pháp luật của các quốc gia khác liên quan đến quản lý, áp dụng thuế đối với L/C.
Bên cạnh đó, buổi Tọa đàm cũng là cơ hội để các đơn vị thuộc NHNN trao đổi trực tiếp nhằm làm rõ hơn bản chất mối quan hệ giữa các bên trong mỗi nghiệp vụ và các rủi ro liên quan; từ đó, có thể thống nhất quan điểm và đề ra hướng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới nghiệp vụ L/C trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, bà Stephanie Betant, Giám đốc cấp cao khối Dịch vụ Tài chính doanh nghiệp, HSBC cho biết, tọa đàm này nhằm mục đích chia sẻ kiến thức của HSBC với tư cách là ngân hàng thương mại hàng đầu thế giới, về các đặc điểm và thực tiễn chính trong kinh doanh Thương mại Quốc tế bao gồm các khuôn khổ thương mại xanh và thực tiễn thị trường trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ tại một số thị trường chính ở châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội lớn để HSBC duy trì đối thoại liên tục với NHNN góp phần vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tọa đàm xoay quanh các vấn đề về nghiệp vụ tín dụng chứng từ, các đặc điểm cơ bản của sản phẩm L/C, yếu tố xanh trong xu hướng phát triển sản phẩm L/C, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài trợ thương mại, chia sẻ kinh nghiệm và thực tế áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài trợ thương mại của HSBC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quy định pháp luật của các quốc gia liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với L/C.
Trên cơ sở các nội dung trao đổi, thống nhất tại buổi tọa đàm này, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế sẽ làm đầu mối nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo Ban Lãnh đạo NHNN để xây dựng phương án quản lý thống nhất đối với nghiệp vụ L/C.
Vụ HTQT với vai trò đầu mối tổng hợp, xây dựng chương trình hợp tác với BWG sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BWG, HSBC và các đơn vị liên quan trong NHNN triển khai các hoạt động đã thỏa thuận trong năm 2021 - 2022.
PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ