Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Minh Huệ công tác tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank).
Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, tôi chưa biết phải bắt đầu như thế nào. Tôi không nhớ nổi mình đã gửi CV và đi phòng vấn tại bao nhiêu ngân hàng chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi sau khi ra trường. Thu nhập làm thêm cũng chỉ đủ để nộp tiền hồ sơ và đi lại.
Tôi và cô bạn thân cùng phòng động viên nhau, mỗi khi đứa nào hôm sau đi phỏng vấn là hôm trước đứa kia đi chợ bồi bổ thêm cho bát canh rau dền đỏ, đĩa thịt bò xào. Hương vị ngọt ngào ngày đó đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ.
Một ngày mùa thu, chính xác đó là một sáng mùa thu tháng 9 rất đẹp, cuộc điện thoại quan trọng nhất trong đời đã đến: Tôi được tuyển vào VietinBank.
Ngân hàng lớn, vị trí đúng chuyên ngành, đối với sinh viên mới ra trường không nhiều thành tích như tôi thời điểm đó thật là điều quá bất ngờ. Chi nhánh tôi được nhận là ở tỉnh, gần quê chứ không phải Hà Nội. Tôi đã quen với cuộc sống Hà Nội, yêu cái nhộn nhịp, cái đủ đầy nơi đây. Nhưng có lẽ sức hút VietinBank quá lớn - lớn hơn tất cả nên tôi lựa chọn và gắn bó đến bây giờ.
Tôi dành suốt những ngày tháng đầu tiên để đọc tờ trình cũ của các khách hàng và theo chân các anh, chị đi xuống cơ sở. Sáng đến, việc đầu tiên của các anh, chị là đọc báo cáo rồi gọi điện nhắc nợ khách hàng. Cả ngày đi thẩm định và chỉ bắt đầu viết những tờ trình vô cùng nhiều thông tin khi đồng hồ chỉ 5h chiều. Những ngày đầu tiên đó, tôi thường tan làm lúc 8h tối, về nhà ăn tạm gói mỳ là ngủ quên mất.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ các anh, chị đã chỉ dạy tôi kiểm tra hồ sơ ra sao, tra CIC, giải ngân, scan hồ sơ hay là đưa tôi cùng rong ruổi trên đường đi xử lý nợ khách hàng. Rồi có lần đi thẩm định mà suýt nữa bị cuốn trôi khi lội qua một con suối to nước ngập tới bụng ở Hà Giang để sang mỏ khai thác của khách hàng giữa tháng 6 mùa mưa.
Tôi cũng không quên những ngày tháng được cùng đồng nghiệp mới đi học ở trường đào tạo của VietinBank. Giữa những ngày rét lạnh, chúng tôi cứ vừa đi bộ, vừa tranh cãi về quy định, quy trình mới học. Thích nhất là đi học như đi hội thảo, giữa buổi còn được ăn nhẹ trà, bánh ngọt, hoa quả. Đi học 2 tháng mà cảm giác nhiều như suốt 4 năm học đại học vậy.
Ngày đó, hồ sơ ít lưu trên máy, trên hệ thống mà chủ yếu là hồ sơ giấy. Đôi lúc trong phòng khách không nhìn thấy nhân viên đâu chỉ vì hồ sơ trên bàn chất cao che hết cả người ngồi phía sau. Mọi người thường trêu nhau, đi làm như đi đánh trận, toàn ngồi trong lô cốt chống đạn.
Nhớ những ngày thi nghiệp vụ, cả phòng đi ôn luyện chăm chỉ, có khi đến 10h mới đi ăn đêm. Có hôm ăn xong ra trời mưa bão, nước ngập bánh xe không về được, chỉ biết nhìn nhau nửa cười nửa khóc. Rồi mỗi lần hệ thống thay đổi mô hình là mỗi lần cán bộ lại nắm bắt và làm quen từ đầu. Nhưng nhờ thế mà đến nay chúng tôi đã có một mô hình năng động, hiệu quả và thuận tiện hơn rất nhiều cho cả cán bộ cũng như khách hàng.
Thế rồi, những ngày đầu tiên vất vả bỡ ngỡ cũng qua đi. Những khách hàng quy mô nhỏ sau nhiều năm giờ cũng đã lớn mạnh hơn nhiều. Nhìn những thay đổi của quê hương, nhà máy, khu công nghiệp, đâu đâu cũng có khách hàng quen thuộc của ngân hàng mình, cảm thấy cũng có chút đóng góp cho sự phát triển này, lại thấy tự hào, thêm yêu nghề, yêu ngân hàng. Mỗi ngày lại nuôi dưỡng tình yêu, sự gắn bó của tôi với “nghề tín dụng”.
Cô bạn thân ngày xưa cũng đã vào VietinBank chi nhánh tỉnh quê nhà. Hai đứa phấn đấu, giờ ở vị trí giống nhau, thỉnh thoảng lại có thể hỗ trợ, chia sẻ với nhau về công việc. Chúng tôi không chỉ có duyên với nhau mà còn có duyên với VietinBank nữa.
Gần 10 năm gắn bó với nơi này, nhiều lúc tôi tưởng như đây là công việc sinh ra định sẵn cho mình vậy và mình sẽ mãi gắn bó với VietinBank - ngôi nhà nuôi dưỡng niềm đam mê và nâng giá trị cuộc sống của tôi. Đôi khi tôi cũng có vài sở thích khác, thích nấu ăn, ước mơ mở quán hàng, nhưng có lẽ tín dụng là nghề cũng là nghiệp, trầy trật tróc vẩy nhưng cũng ngọt ngào và nhiều sức hút lắm!
PHẠM MINH HUỆ
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ