Tổng cục Thuế vừa công bố kết quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tính đến cuối tháng 8/2024, với nhiều tín hiệu tích cực trong việc thu hồi các khoản nợ thuế. Cụ thể, toàn ngành đã thu được 53.771 tỷ đồng nợ thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số tiền thu được qua biện pháp quản lý nợ đạt 50.458 tỷ đồng, còn số thu qua biện pháp cưỡng chế nợ là 3.313 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có tới 41/63 địa phương trên cả nước ghi nhận số thu nợ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 17 địa phương có mức tăng trên 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến 31/8/2024 ước đạt 14,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 10,4% cho thấy tình hình nợ thuế vẫn đang là thách thức lớn đối với ngành thuế.
Ảnh minh họa |
Một trong những biện pháp mạnh được triển khai để xử lý nợ thuế là tạm hoãn xuất cảnh đối với những người nợ thuế. Tính đến ngày 14/8/2024, cơ quan thuế đã ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với tổng số tiền nợ thuế lên đến 30.388 tỷ đồng. Trong đó, có 10.829 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, khiến số tiền nợ thuế lên tới 6.894 tỷ đồng.
Nhờ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế đã thu hồi được 1.341 tỷ đồng từ 2.116 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Đặc biệt, 650 người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn thu hồi được 46,7 tỷ đồng nợ thuế.
Để giải quyết tình trạng nợ thuế đang diễn ra trên diện rộng, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4216/TCT-QLN yêu cầu các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế. Công văn này yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thu hồi và xử lý nợ đọng, đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho từng công chức thuế.
Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các đơn vị theo dõi và hạch toán chính xác các khoản nợ của người nộp thuế vào hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình quản lý nợ.
Tùy vào thời gian nợ thuế, các biện pháp cưỡng chế sẽ được áp dụng cụ thể. Đối với những người nộp thuế có khoản nợ dưới 90 ngày, cơ quan thuế sẽ đôn đốc và nhắc nhở để nộp tiền vào ngân sách nhà nước (NSNN). Nếu khoản nợ đã quá 30 ngày, thông báo tiền nợ sẽ được gửi qua hệ thống điện tử eTax hoặc email đăng ký.
Khi khoản nợ đã quá 60 ngày, cơ quan thuế sẽ liên hệ trực tiếp với người nộp thuế để nhắc nhở và cảnh báo về các biện pháp cưỡng chế nếu nợ tiếp tục quá 90 ngày. Đối với các trường hợp cần cưỡng chế, cơ quan thuế sẽ thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, đồng thời tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nếu quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế vẫn chưa thanh toán đủ số tiền nợ.
Nhờ những biện pháp mạnh mẽ và chỉ đạo sát sao từ Tổng cục Thuế, công tác quản lý nợ thuế đang có những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng nợ đọng và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Nội dung Công văn số 4216/TCT-QLN tại đây.
Bộ Tài chính muốn thành lập Thanh tra Tổng cục Thuế Bộ Tài chính muốn chuyển đổi mô hình Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế thành Thanh tra Tổng cục Thuế. |
Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh vàng bạc Giá vàng liên tục “thăng hoa” trong những ngày vừa qua. Trước diễn biến này, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng ... |
Hồng Quân