Sáng 8/1, tại Hội nghị về công tác hoàn thiện thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thanh tra giám sát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Lê Ngọc Lâm cho biết hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn.
Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm. Nguồn: Internet. |
Theo Tổng Giám đốc BIDV, sức hấp thụ vốn của ngành kinh tế năm 2024 dù được đánh giá khả quan nhưng vẫn ở mức thấp. Một số động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp cũng như đầu tư tư nhân còn chậm.
Bên cạnh đó, hoạt động của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như thị trường trái phiếu. Năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp lớn còn có vấn đề.
Ông Lâm cho biết một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, năng lượng tái tạo đang gặp phải các rủi ro pháp lý, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng.
Ngoài ra, việc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng gặp khó khăn.
Nghị quyết 42 cũng đã hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nếu không có việc thay thế hoặc gia hạn sẽ làm chậm lại quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức ngân hàng, ông nói.
Đồng thời, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn, cách thức thẩm định giá các khoản nợ. Việc này, có thể gây khó khăn, tiềm ẩn các rủi ro trong xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bán nợ dưới giá nợ gốc.
Việc phát mại, khởi kiện qua tòa thường kéo dài gây khó khăn, tốn kém thời gian chi phí trong xử lý nợ. Chưa kể, quan điểm, nhìn nhận của các cơ quan chức năng cũng gây khó khăn cho các TCTD trong xử lý nợ, ông Lâm cho hay.
Về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo BIDV kiến nghị Chính phủ, NHNN, các bộ ngành địa phương đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án đầu tư, công trình để hỗ trợ các TCTD giải ngân.
Đồng thời, cần hỗ trợ thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu phát triển, đảm bảo kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng, ông cho hay.
BIDV đề nghị Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42. Đồng thời, mong Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ các địa phương cho phép chủ đầu tư dự án có thể chuyển đổi chủ đầu tư dự án hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo BIDV đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN xem xét, ban hành quy định riêng về hoạt động phát hành trái phiếu của các TCTD sao phù hợp với đặc thù hoạt động.
Cuối cùng, BIDV đề xuất NHNN xem xét kéo dài thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 12/2024 thay vì cuối tháng 6 như hiện tại.
Ngoài ra, để các TCTD có cơ sở đánh giá tín nhiệm tốt hơn, BIDV đề nghị NHNN xây dựng cổng kết nối thông tin với Bộ Công an, nhất là Trung tâm ứng dụng dữ liệu dân cư theo chuẩn chung.
“BIDV mong NHNN nghiên cứu tăng mức cho vay với phương tiện điện tử - đối với các khoản vay online có mức độ rủi ro thấp. Bên cạnh đó, xem xét không quy định bắt buộc các TCTD phải kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay với các khoản vay như thế này”, ông Lê Ngọc Lâm bày tỏ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đã có những cơ chế mới cho điều hành tín dụng Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, đã có những cơ chế mới đối với việc ... |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 5 định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm ... |
Vân Anh (T/H)