Nhiều người vẫn gặp khó với sinh trắc học
Ngày 3/7, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại các Phòng giao dịch của các ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh có rất đông người dân đến xác thực sinh trắc học (quét vân tay và nhận diện khuôn mặt). Lý do là họ không thể tiến hành xác thực sinh trắc học tại nhà nên phải đến ngân hàng để chờ hướng dẫn.
Chia sẻ với Báo Công Thương, chị Nguyễn Lan Anh (35 tuổi, tại quận Bình Thạnh) đang có mặt tại chi nhánh ngân hàng TP Bank trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chia sẻ: “Do không thể cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng tại nhà, tôi đã phải đến trực tiếp ngân hàng để nhờ nhân viên hỗ trợ. Sau khi nhân viên ngân hàng gắn căn cước công dân vào máy đọc thông tin, một lúc sau mới hoàn tất việc cập nhật thông tin và tôi đã có thể tiến hành giao dịch được ngay”.
Nhiều người dùng đã cập nhật sinh trắc học thành công từ nhiều ngày trước. Tuy nhiên, đa phần khách hàng đều gặp khó trong việc xác thực dù đã làm rất nhiều lần. “Khi đến chi nhánh ngân hàng để rút tiền, hệ thống nhận diện khuôn mặt không thể xác thực danh tính của tôi. Tôi đã phải chờ đợi khoảng 15 phút để được xác thực bằng căn cước công dân”, ông Trần Văn Minh, 42 tuổi, đang có mặt tại Ngân hàng HD Bank ở quận 1 chia sẻ.
Nhiều người không làm sinh trắc học được tại nhà nên đã đến các Phòng giao dịch, trụ sở các ngân hàng. |
Theo khảo sát chung, nguyên nhân chính của việc chậm này là do ứng dụng ngân hàng quá tải khi thực hiện xác thực sinh trắc học, nhiều người truy cập cài đặt xác thực sinh trắc học cùng lúc dẫn đến tình trạng quá tải, hệ thống ngân hàng liên tục báo lỗi. Ngoài ra, một số người lớn tuổi chưa rành về công nghệ nên bị khó khăn trong việc tự sinh trắc học qua app ngân hàng.
Ông Phú Mạnh (70 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận) cũng vừa nhờ nhân viên Vietinbank tại Phú Nhuận cho biết "Tôi không rành công nghệ nên mấy ngày hôm nay ở nhà mở điện thoại làm mà loay hoay mãi không xong nên đành đến đây nhờ nhân viên ngân hàng hướng dẫn".
Còn anh Lê Vĩnh Phúc, cư dân quận 5 cho biết: “Tôi cần chuyển khoản số tiền trên 10 triệu đồng, lần lượt vào các ứng dụng của Vietcombank, SHB và HD Bank, nhưng tất cả đều báo lỗi không thể thực hiện do app quá tải. Nhân viên ngân hàng hẹn tôi quay lại sau để làm lại giao dịch”.
Tương tự như anh Phúc, chị Nguyễn Tú, sống tại Bình Thạnh cho biết, do app bị quá tải nên chị ra Phòng giao dịch của ngân hàng để làm sinh trắc học, nhưng đến đây cũng được hẹn quay lại sau vì sẽ phải chờ rất lâu.
Theo một số nhân viên ngân hàng, hệ thống báo lỗi xảy ra chủ yếu ở bước quét NFC hoặc khó khăn là do chứng minh thư cũ và căn cước công dân mới.
“Nếu khách hàng chưa có nhu cầu chuyển tiền vượt quá 10 triệu đồng/lần giao dịch hoặc không quá 20 triệu đồng trong tổng số giao dịch một ngày thì có thể thư thả đợi xác thực sinh trắc học vài ngày sau, vì hiện nay quá nhiều người sử dụng nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống. Nếu khách hàng cần chuyển tiền gấp, có thể chia nhỏ số tiền dưới 10 triệu đồng/lần và chuyển làm nhiều lần. Hoặc khách hàng có thể xác thực khuôn mặt tại nhà vào buổi tối sẽ ít người tham gia gia và dễ làm hơn. Hoặc có thể đợi thêm vài ngày nữa khi lượng người làm xác thực sinh trắc học giảm thì làm sẽ nhanh và dễ hơn”, nhân viên làm việc tại ngân hàng VIB chia sẻ.
Việc sinh trắc học gặp khó khăn do hệ thống quá tải, một phần do nhiều người lớn tuổi chưa rành về công nghệ. |
Theo một lãnh đạo ngân hàng Ngân hàng Bản Việt (BV Bank), để thuận tiện hơn cho khách hàng, các ngân hàng cũng đang thực hiện việc cần nâng cấp hệ thống, tăng cường cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ khách hàng để giảm thiểu tình trạng không thể xác thực sinh trắc học do app ngân hàng quá tải. Điều này sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và giúp các giao dịch tài chính diễn ra suôn sẻ hơn. “Việc triển khai công nghệ sinh trắc học gặp nhiều khó khăn ban đầu. Chúng tôi đang nỗ lực nâng cấp hệ thống và mở rộng dung lượng để đảm bảo rằng khách hàng không gặp phải tình trạng quá tải khi sử dụng dịch vụ. Đồng thời, chúng tôi cũng đang đào tạo nhân viên để hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả hơn", lãnh đạo này cho biết.
Xuất hiện thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng cài sinh trắc học
Do hiện nay nhiều người quan tâm đến xác thực sinh trắc học của ngân hàng và bị trục trặc, hay chưa làm được trong những qua, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những đối tượng này gọi điện tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi ảnh chụp căn cước công dân, thông tin về tài khoản ngân hàng để hỗ trợ thu thập sinh trắc học.
Trước tình hình này, các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng chỉ nên cập nhật thông tin qua app ngân hàng, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Ngân hàng cũng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật... qua điện thoại hoặc qua đường link.
Không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số hay bất cứ thông tin cá nhân nào khác. Ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, e-mail hay các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook...
Việc áp dụng công nghệ sinh trắc học trong giao dịch tài chính là một bước tiến quan trọng, giúp tăng cường bảo mật và tiện lợi cho khách hàng tốt nhất. Đây cũng là bước đầu tiên thực hiện theo lộ trình để tiến tới nâng cao công nghệ bảo mật trong tương lai của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, các ngân hàng cần đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, không bị quá tải, và luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chỉ khi đó, khách hàng mới có thể yên tâm và tin tưởng sử dụng các dịch vụ tài chính của ngân hàng.