Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ

28/07/2025 - 22:55
(Bankviet.com) Chiều 27/7 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga gặp gỡ tập thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Kinh tế đối ngoại

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ

TTXVN 28/07/2025 11:42

Chiều 27/7 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga gặp gỡ tập thể cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều thách thức, nhưng Phái đoàn và Đại sứ quán rất vinh dự, tự hào khi được bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và tiếng nói của Việt Nam. Một số tổ chức, quốc gia xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thành công với chính sách đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay.

Chú thích ảnh
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva phát biểu. Ảnh: TTXVN

Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 10.000 người tại 26 bang. Cộng đồng luôn yêu nước, đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc và có tinh thần hướng về quê hương. Ngoài ra, cộng đồng có nhiều cá nhân thành công trong công việc, là các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, làm việc tại các cơ quan lớn của Thụy Sĩ, bên cạnh đó cũng có một bộ phận là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam công tác tại các tổ chức quốc tế ở Geneva. Đây là lực lượng tri thức đáng quý, góp phần quan trọng vào việc kết nối hợp tác khoa học, giáo dục và công nghệ giữa Việt Nam với địa bàn. Trong các cuộc làm việc với các đoàn Việt Nam, phía Thụy Sĩ đều đánh giá tốt sự hòa nhập của bà con.

Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh, cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện tại Thụy Sĩ luôn dõi theo và phấn khởi trước những chuyển biến to lớn của đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Đây vừa là niềm hứng khởi, vừa là trách nhiệm đối với các cơ quan đại diện phải đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp này. Các cơ quan đại diện bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng nền tảng pháp luật vững chắc cho công cuộc này; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan trong nước, để triển khai hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại Đảng và Nhà nước giao phó.

Chú thích ảnh
Đại biểu dự buổi gặp gỡ. Ảnh: TTXVN

Trong không khí ấm áp, thân tình, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ bày tỏ xúc động khi được gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; chia sẻ cuộc gặp gỡ hôm nay là nhịp cầu nối dài của niềm tin và tình thân từ Tổ quốc đến cộng đồng xa quê.

Vui mừng trước những thành tựu của đất nước thời gian qua, đại diện cộng đồng bày tỏ tin tưởng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; nhấn mạnh cụm từ “sắp xếp lại giang sơn” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là khẩu hiệu mà là tín hiệu của sự chuyển mình, đưa chính quyền về gần dân hơn.

Đại diện cộng đồng cũng kiến nghị một số vấn đề để gìn giữ tiếng Việt; đẩy nhanh quá trình cấp căn cước công dân và hộ chiếu điện tử dành cho kiều bào để giúp bà con thuận tiện trong các hoạt động dân sự, đầu tư; cơ chế để đội ngũ tri thức trẻ tại Thụy Sĩ có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước…

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc sức khỏe, lời chào mừng nồng nhiệt nhất và tình cảm ấm áp từ quê nhà đến cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phái đoàn, cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phái đoàn và toàn thể bà con.

Chia sẻ với bà con về thành tựu của đất nước sau 40 năm Đổi mới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,09%; 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Tổng sản phẩm GDP đạt khoảng 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.700 USD. Hiện, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: TTXVN

Việt Nam quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố; kết thúc hoạt động 696 đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp 10.035 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 3.321 xã. Chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, gần dân, sát dân, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời giảm đầu mối, giảm biên chế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vừa qua, nước ta đã bước đầu dành được nguồn lực để đầu tư cho y tế, giáo dục.

Quốc hội vừa qua cũng quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đầu tư đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều công trình, dự án trọng điểm để đất nước phát triển.

Đặc biệt, Đảng ban hành 4 Nghị quyết gọi là “bộ tứ chiến lược” và Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết, sửa đổi nhiều luật liên quan để thể chế hóa ngay các chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cơ chế, chính sách hiện nay đã rất cởi mở, thông thoáng để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiện thực hóa 2 mục tiêu phát triển 100 năm đã được Đảng ta đề ra, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tặng quà cho Phái đoàn. Ảnh: TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tặng quà cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN

Trong đó, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống, nhất là cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai Đại sứ và cơ quan Đại sứ quán, Phái đoàn cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con, đặc biệt là các chủ trương đột phá, chiến lược, các chính sách, pháp luật mới được ban hành... Đồng thời, tiếp tục quan tâm, kịp thời giải quyết những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 về tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với kiến nghị của bà con về việc tăng cường dạy tiếng Việt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quan tâm sâu sát, có vấn đề gì còn khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp kiến nghị gửi về Bộ Ngoại giao để phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân với đại biểu. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trao đổi, làm việc với các cơ quan liên quan của Thụy Sĩ, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện hợp tác đã có để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó, đoàn kết, tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế… với sở tại.

TTXVN

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán