Theo đó, TPBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 15.817 tỷ đồng lên 21.090 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu phổ thông từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ thực hiện 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới), số lượng cổ phiếu phát hành sẽ đạt hơn 527 triệu cổ phiếu.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ TPBank.
Việc thực hiện dự kiến trong năm 2022, thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định, tuỳ thuộc vào quá trình xem xét, phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
TPBank sẽ trình kế hoạch không chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ trình đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 36% đạt 8.200 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng tín dụng (cả cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đạt 18%. Hệ số ROE đạt mức 22,41%.
Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến đạt 350.000 tỷ đồng, tăng 20% trong năm 2022; huy động vốn đạt 201.212 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu không quá 1,5%.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ TPBank.
Đánh giá về kế hoạch của TPBank, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng TPBank ít phải đối mặt với áp lực huy động hơn để tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022 khi là một trong số ít ngân hàng có tăng trưởng huy động ở mức hai chữ số trong năm 2021.
Chuyên gia phân tích cho rằng kế hoạch của TPBank đang hướng tới việc tối ưu hóa hệ số cho vay trên huy động (LDR) hiện đang ở mức thấp (58,2% so với giới hạn 85%) để hỗ trợ NIM trong năm 2022.
Theo BVSC, TPBank có triển vọng NIM tích cực hơn nhờ các mục tiêu tăng CASA và kiểm soát chặt chẽ chất lượng các khoản vay.
Năm 2022, Ngân hàng còn đặt mục tiêu tăng thêm 3 triệu khách hàng mới, tăng tỷ lệ hoạt động thêm ít nhất 10% so với hiện tại với sự đóng góp từ cả ba phân khúc: đại chúng, cao cấp và kênh Digital Banking. TPBank kỳ vọng sẽ duy trì vị thế trên thị trường với một số sản phẩm cho vay ô tô, mua nhà đất và mua nhà dự án.
TPBank đặt mục tiêu hoàn thành việc tái cơ cấu Công ty Hafic nhằm phát triển hoạt động ngân hàng sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đồng thời giữ tỷ lệ đầu tư tại TPS và phát triển hoạt động kinh doanh giữa hai bên.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam