Tranh chấp giao dịch điện tử: Vướng mắc khi chứng cứ điện tử chưa được thừa nhận

23/12/2021 - 15:50
(Bankviet.com) Pháp luật cho phép các thỏa thuận dân sự được thực hiện thông qua phương thức điện tử. Tuy nhiên, khi giao dịch dân sự có sự tranh chấp thì lại thiếu những quy định liên quan khi giải quyết đặc biệt là vấn đề chứng cứ điện tử.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, rất nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn các phương thức giao dịch điện tử. Lĩnh vực ngân hàng là một trong những lĩnh vực triển khai hoạt động điện tử và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử sớm thông qua các quy định về nghiệp vụ thẻ, ATM, dịch vụ internet banking và mobile banking...

Cùng với các quy định pháp luật chuyên ngành, hệ thống pháp luật chung cũng đã có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh giao dịch thông qua phương tiện điện tử như Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật an ninh Mạng 2018, Luật Công nghệ thông tin 2006, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các Luật này.

Theo đó, Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.

Trên thực tế, các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp, cá nhân khác cũng thực hiện nhiều giao kết thông qua phương thức điện tử. Tuy nhiên, đáng nói là mặc dù quy định pháp luật cho phép các bên được thực hiện trong giao dịch điện tử nhưng các quy định liên quan chứng cứ điện tử khi giải quyết tranh chấp còn thiếu.

Được biết, Điều 94, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: 1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử…”

Khoản 3 Điều 95, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.

Tuy nhiên, ở mức độ văn bản hướng dẫn dưới luật như Nghị định, Thông tư, chưa có hướng dẫn áp dụng pháp luật các nội dung liên quan hình thức giao dịch điện tử ở dạng “thông điệp dữ liệu”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết không chỉ thiếu văn bản hướng dẫn dưới luật, các văn bản của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng chưa có hướng dẫn áp dụng. Thực tiễn xét xử tại Tòa án cũng chưa có áp dụng “thông điệp dữ liệu”. Do đó, rất rủi ro cho tổ chức tín dụng (TCTD) khi Tòa án các cấp xét xử sẽ tuyên vô hiệu hợp đồng giao dịch do không đáp ứng về mặt hình thức đối với các giao dịch tín dụng có sử dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử của TCTD.

Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành và Tòa án nhân dân Tối cao chưa có hướng dẫn chi tiết liên quan chứng cứ khi giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về hình thức chứng cứ cung cấp cho Tòa án phải được thể hiện dưới hình thức: bản chính/bản sao có công chứng chứng thực hợp pháp.

Trong trường hợp tài liệu là dữ liệu điện tử như hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử, các bên đương sự không biết phải cung cấp bản sao theo quy định bằng cách nào.

“Hiện tại pháp luật chưa có cơ chế hướng dẫn về nội dung này nên sẽ gây khó khăn khi áp dụng và phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, cần có văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn đảm bảo cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc về tính hiệu lực của giao dịch điện tử, thông tin dữ liệu khi các TCTD áp dụng giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số trong hoạt động cấp tín dụng” – ông Nguyễn Thành Long nhận định.

Được biết, CLB Pháp chế Ngân hàng cũng có kiến nghị đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, cơ quan liên ngành có văn bản hướng dẫn thực hiện và có quy định liên ngành để đảm bảo cách hiểu thống nhất, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số có giá trị chứng cứ

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ