Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm.
Nghề nước mắm đã tạo công ăn việc làm và sinh kế cho gần 1 vạn lao động trực tiếp và hàng triệu ngư dân khai thác, thu mua thủy sản, làm muối ven biển. Về thị trường nội địa, các cơ sở sản xuất nước mắm ở miền Bắc chủ yếu là tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh lân cận, tỷ lệ các cơ sở sản xuất tham gia vào thị trường cả nước chưa đến 14% nhưng số các cơ sở sản xuất có hàng vào siêu thị chiếm tỷ lệ đến hơn 22%, cao hơn so với miền Trung và miền Nam.
Trong khi đó, thị trường của các cơ sở sản xuất nước mắm ở miền Trung và miền Nam thì rộng hơn. Tỷ lệ tham gia vào thị trường cả nước lần lượt là 43,5% và 50%, cao gấp hơn 3 lần so với miền Bắc.
Chia sẻ hội thảo "Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 15/12/2021, ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc ICAFIS (Hội Nghề cá Việt Nam) - cho biết, ước tính cả nước có khoảng 783 cơ sở sản xuất nước mắm, trong đó có 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu, với 20 thị trường chính. Năm 2019, cả nước đã hình thành được 43 chuỗi sản phẩm tiêu thụ nước mắm an toàn. Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.
Xuất khẩu nước mắm vẫn nhiều khó khăn
Nghề nước mắm có nhiều tiềm năng, nhưng tỷ lệ xuất khẩu mới đạt khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Thị trường xuất khẩu nước mắm chủ yếu đi các nước châu Á, châu Âu, Australia, Mỹ. Bình quân cả nước, xuất khẩu nước mắm đi châu Á hơn 54%, châu Úc hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2020 đạt trên 25 triệu USD.
Về cơ hội xuất khẩu nước mắm, ông Đinh Xuân Lập chia sẻ, nước mắm nước ta rất đa dạng về sản phẩm, có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu, các nước châu Á, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tư do mang lại cơ hội về giao thương, kết nối sản phẩm cũng như xuất khẩu.
Muốn xuất khẩu bền vững, chúng ta cần đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước và sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là khâu bảo quản sau khai thác còn hạn chế, chưa kiểm soát được chỉ tiêu về histamine; mối liên kết mặc dù có nhưng còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Cả nước có 783 cơ sở sản xuất và 1.500 hộ tham gia làm nước mắm, tuy nhiên các cơ sở áp dụng vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP và ISO còn chưa nhiều.
Ngoài ra, các tàu khai thác ven bờ của nước ta chưa trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định của IUU, cụ thể là hệ thống giám sát tàu cá. Tàu còn nhỏ, phương tiện thô sơ, nhận thức của người dân chưa cao, chi phí khai thác lớn. Đồng thời, nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt do các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.
Mặt khác, muốn xuất khẩu nước mắm, sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường. Điển hình như thị trường Mỹ yêu cầu nước mắm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), đáp ứng các nguyên tắc trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP). Thị trường EU thì kiểm tra rất chặt chẽ về tiêu chuẩn histamine. Các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và giấy phép an toàn chất lượng nhập khẩu. Đặc biệt, các nước nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn nữa về việc chống khai thác cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).
Ông Lập dẫn chứng, Quyết định 1005 của EC cũng đã nêu rõ, các sản phẩm thuỷ sản cũng như các sản phẩm bắt nguồn từ thuỷ sản khi xuất khẩu sang EU phải có giấy xuất xứ nguồn gốc thực hành IUU. Tại thị trường Mỹ cũng có chương trình kiểm soát các sản phẩm khai thác từ thuỷ sản vào thị trường Mỹ, và IUU cũng là yêu cầu các quốc gia phải thực hiện. Do vậy, ngành hàng sản xuất nước mắm, ngoài việc đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phải có trách nhiệm về nghề cá.
Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất nước mắm, ông Lập kiến nghị, cần thiết lập các mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng, hướng tới khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản cho sản xuất nước mắm, lấy nền tảng là các chi hội nghề cá. Tăng cường liên kết với các hiệp hội nước mắm để thúc đẩy việc phát triển ngành hàng nước mắm và đưa nước mắm Việt ra thế giới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thuỷ sản và thực hành IUU, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật. Thúc đẩy các liên kết chuỗi - chuỗi giá trị giữa khối tàu cá - thu mua - doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm. Tại các khối tàu cá, tổ chức theo hình thức nghiệp đoàn hoặc chi hội nghề cá.
Nâng cấp tàu thuyền và trang thiết bị, lưới... hướng tới khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ xa bờ, để bảo đảm nguyên liệu cho chuỗi sản xuất nước mắm. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm thuỷ sản trên tàu cá nhằm hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nước mắm. Áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới áp dụng truy xuất điện tử đối với sản phẩm thủy sản nói chung và nước mắm nói riêng.
Một vấn đề nữa được đưa ra tại hội thảo đó là nguồn lợi hải sản biển Việt Nam đang bị khai thác quá mức và hiện tại đang trong tình trạng suy giảm. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm, thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang bị suy giảm.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - khẳng định, để có nước mắm thì phải có cá. Để có cá thì phải vừa nuôi trồng, vừa khai thác vừa bảo tồn. Ba trụ cột này không thể tách rời được. Đến năm 2030, chúng ta giảm sản lượng khai thác xuống chỉ còn 2,8 triệu tấn, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, vì hiện nay cường lực khai thác quá lớn.
Ông Phùng Đức Tiến đề nghị 2 hiệp hội cùng với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản, cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi và các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam. Đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể, khả thi để cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả nhằm khai thác bền vững, nguồn lợi hải sản cho chuỗi sản phẩm nước mắm Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.