Triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng sắp được nới room tín dụng

01/03/2023 - 20:37
(Bankviet.com) Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cấp room tín dụng cho một số ngân hàng, được biết những ngân hàng này đều thuộc nhóm tư nhân có kết quả kinh doanh tích cực trong 2022.

Về VPB, quý IV/2022 lợi nhuận ròng tăng trưởng âm do chi phí dự phòng & hoạt động tăng cao. Thu nhập lãi thuần quý IV/2022 tăng 20,6% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng trưởng 26,0%. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động tăng mạnh trong Quý IV/2022, lần lượt ở mức 36,3% và 42,4%, khiến lợi nhuận ròng quý IV/2022 giảm 6,7%. Trong cả năm 2022, lợi nhuận ròng VPB tăng 53,9% sau khi loại trừ phí trả trước từ thương vụ bancassurance với AIA.

Triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng sắp được nới room tín dụng

Ngân hàng mẹ VPB đạt tăng trưởng tín dụng 30,9% trong năm 2022, cao nhất trong hệ thống, nhờ cho vay tăng trưởng mạnh 29,2%, đặc biệt là ở phân khúc bán lẻ và SME (+36,8%). Tăng trưởng tiền gửi cũng hết sức ấn tượng ở mức 28,5%, cao hơn nhiều đối thủ khi VPB tiếp tục thu hút nhiều khách hàng mới với ứng dụng VPBank NEO.

Tuy nhiên, FeCredit - Công ty con của ngân hàng mẹ VPB ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3 nghìn tỷ đồng. Với bối cảnh vĩ mô vẫn đầy thách thức, CTCK VNDirect cho rằng 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FeCredit, do đó dự báo mảng này sẽ lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trong năm 2023 trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.

Khó khăn đã được phản ánh vào giá khi VPB hiện chỉ được giao dịch ở mức P/B 2023 là 1,0 lần, thấp hơn so mức trung bình 3 năm là 1,7 lần. Với mức định giá này VPB hấp dẫn khi xét đến tiềm năng tăng trưởng to lớn được hỗ trợ bởi tỷ lệ CAR cao và tiềm năng tăng giá đến từ phát hành riêng lẻ và cổ tức tiền mặt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2 cổ phiếu VPB có giá 17.150 đồng/cp.

Đối với MBB, 2022 là một năm rất thành công của MBB, trong đó có yếu tố quan trọng là ngân hàng giữ được CASA ở mức cao. Tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng năm 2022 đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021. Doanh thu thuần sau trích lập dự phòng rủi ro tăng 29,9% đạt hơn 37,5 nghìn tỷ đồng.

Song song với tăng trưởng doanh thu, chi phí hoạt động của MBB cũng tăng đáng kể năm qua do ngân hàng đầu tư mạnh vào số hóa. Tổng chi phí hoạt động cả năm 2022 là hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm trước. Tuy nhiên điểm tích cực là ngân hàng đã cải thiện được chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) thêm 0,5% so với năm 2021, về 29,36% - là một trong những ngân hàng có CIR tốt nhất.

Kết quả, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 41,1%. Với kết quả này, MBB đạt hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) tới 25,6%, tăng 2,1% so với năm 2021, nằm trong nhóm những ngân hàng có ROE cao nhất. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2 cổ phiếu MBB có mức giá 17.300 đồng/cp.

Với VIB, kết thúc năm 2022, VIB đạt kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỉ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỉ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng. Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%, cao hơn đáng kể so với mức 8% theo quy định. Với nền tảng quản trị rủi ro vững mạnh, VIB kiểm soát nợ xấu ở mức thấp 1,79%.

Vừa qua, VIB đã công bố Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 là 10% trên vốn điều lệ. Dựa trên kết quả lợi nhuận năm 2022, VIB có thể chia cổ tức lên đến hơn 35%, bao gồm cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu.

Triển vọng cổ phiếu của các ngân hàng sắp được nới room tín dụng

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng

Đánh giá về nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, ngành ngân hàng đã trải qua ba chu kỳ nhưng cuối cùng định giá lại một lần nữa quay về mức thấp hơn một độ lệch chuẩn so với P/B trung bình 10 năm. Giai đoạn 2012-2016, ngành ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu sau khi thị trường bất động sản đóng băng cùng với sự khó khăn của kinh tế toàn cầu.

Sau đó, ngành ngân hàng tái khởi động, tích cực xử lý nợ xấu, thúc đẩy thu nhập ngoài lãi thông qua các hoạt động bảo hiểm, ngân hàng đầu tư,... Giai đoạn 2020 đến nay, mặc dù ngành ngân hàng trải qua hai năm Covid đầy khó khăn, nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn giữ được tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu quanh mức 20%.

Năm 2023, Rồng Việt cho rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Mặc dù đứng trước những rủi ro bất định từ vĩ mô thế giới cùng với nội tại nền kinh tế, theo Rồng Việt, định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích lũy cổ phiếu, nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi, tăng trưởng trở lại từ năm 2024.

Trong năm 2023, chất lượng tài sản ngành ngân hàng có thể bị suy giảm. Dù vậy, sự suy giảm sẽ là khác nhau phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Bộ đệm dự phòng dày sẽ giúp một số ngân hàng có chính sách thận trọng với hai mảng kinh doanh này, thậm chí có thể tránh được sự suy giảm về chất lượng tài sản.

Rồng Việt ước tính tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng nhìn chung sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm. Mặc dù vậy, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày và chất lượng tài sản tốt, ít "phơi nhiễm" với những ngành rủi ro, khả năng cao vẫn sẽ giữ được mức ROE tương đối, và sẽ hồi phục về mức trung bình trong năm 2024. Do vậy, cùng với room tín dụng được cấp, nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2023.

Chứng khoán phái sinh: Cơ hội cho nhà đầu tư ít vốn

Với kênh phái sinh, nhà đầu tư vẫn có thể linh hoạt trading khi thị trường biến động cả hai chiều, giao dịch theo xu ...

'Cá mập' Pyn Elite Fund và các dự báo sốc về thị trường chứng khoán Việt Nam

Pyn Elite có phong cách đầu tư khá mạo hiểm, với nhiều thành tích ấn tượng, tăng trưởng vài chục phần trăm trong vòng một ...

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ra mắt ứng dụng iDragon Pro cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn

Là một trong những đơn vị phân tích dẫn đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kết hợp với công cụ phân tích và ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán