Triển vọng đầy "ngọt ngào" của cổ phiếu mía đường

17/04/2023 - 17:24
(Bankviet.com) Mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường, chính vì lẽ đó thông tin giá bán đường lên mức cao là thông tin tích cực, thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...

Hưởng lợi từ giá đường, cổ phiếu bứt phá

Từ đầu tháng 4 tới nay, nhóm cổ phiếu mía đường diễn biến tích cực với mức tăng hàng chục phần trăm, như QNS của Đường Quảng Ngãi chứng kiến nhiều phiên tăng điểm áp đảo đưa thị giá cổ phiếu tăng thêm 10%, thậm chí, LSS của Mía đường Lam Sơn ghi nhận chuỗi 12 phiên tăng điểm liên tiếp, cộng thêm cho thị giá tới 18%.

Đáng chú ý nhất có thể kể đến cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La “miệt mài” tiến lên đỉnh cao mới. Hiện tại, cổ phiếu này vẫn đang “neo” ở vùng đỉnh lịch sử 161.500 đồng/cp, giúp SLS nằm top cổ phiếu “đắt” nhất sàn chứng khoán thời điểm hiện tại. Cổ phiếu vượt đỉnh còn đưa vốn hoá thị trường của Mía đường Sơn La tiến sát 1.570 tỷ đồng.

Có thể thấy, mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường, chính vì lẽ đó thông tin giá bán đường lên mức cao là thông tin tích cực, thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu nhóm ngành này.

Triển vọng đầy
Trong thời gian gần đây, giá đường đang ghi nhận sự biến động mạnh và đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ

Trong thời gian gần đây, giá đường đang ghi nhận sự biến động mạnh và đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu. Giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" kể từ đầu tháng 4, chạm 24,34 US cent/lb vào ngày 13/4 và cũng là mức cao nhất kể từ quý I/2012.

Tại thị trường trong nước, hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, giá nguyên liệu mía đường cũng đang tiếp nối đà tăng của thế giới. Hiện mía nguyên liệu đang dao động từ 850.000 - 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc khu vực.

Nhìn nhận riêng về đà tăng mạnh của cổ phiếu SLS. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2022-23 (từ 1/7 đến 31/12/2022), doanh thu thuần của Mía đường Sơn La đạt 715 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty lãi ròng 189 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 19.330 đồng. Như vậy, dù mục tiêu doanh thu mới hoàn thành 64%, công ty đã vượt xa gấp 2,5 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm khi mới đi được một nửa chặng đường.

Mặt khác, điều hấp dẫn cổ đông còn tới từ việc Mía đường Sơn La được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao đều đặn. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp này "quên" chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%. Gần đây nhất, doanh nghiệp đã chi gần trăm tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021-22 bằng tiền với tỷ lệ lên đến 100% cho cổ đông.

Bên cạnh đó, Mía đường Sơn La còn được nhà đầu tư chú ý khi thường xuyên duy trì EPS cao trên 10.000 đồng. Một trong những lợi thế giúp doanh nghiệp đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Triển vọng ngành đầy tích cực

Theo Chứng khoán VNDirect, giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán).

Đồng thời, nhóm phân tích lo ngại rằng giá xăng tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy Brazil và Ấn Độ chuyển hướng trồng mía sang sản xuất ethanol. Do đó, VNDirect dự báo giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới.

Triển vọng đầy "ngọt ngào" của cổ phiếu mía đường
VNDirect dự báo giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới

Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).

VNDirect kỳ vọng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ năm 2022 đang giảm dần.

“Giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung, đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước”, VNDirect nhận định.

Trong báo cáo triển vọng ngành đường quý I/2023, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, biện pháp phòng vệ đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tổng sản lượng đường nhập khẩu cả năm 2022 giảm 12,6% so với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu từ Úc và Indonesia.

VCBS cho biết, giá thu mua mía từ nhà máy cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1.050.000 – 1.100.000 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung. Đây là tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tới.

Mặt khác, giá thu mua mía sẽ ổn định hơn so với năm 2022 nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mía đảm bảo nguồn cung nội địa. Các công ty sử dụng nguyên liệu mía trong nước như Mía đường Sơn La sẽ được hưởng lợi nhiều từ xu hướng tăng giá đường.

Còn Mirae Asset cho rằng, Đường Quảng Ngãi đang hoàn tất quá trình đầu tư và bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững với chuỗi khép kín Mía - Đường - Điện. Dòng tiền tự do ổn định ở mức 1,000-1,500 tỷ hằng năm giúp công ty duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức cao trên 80% LNST. Nhìn chung, công ty có cơ cấu vốn khá an toàn khi tỷ lệ vay nợ ở mức thấp, chỉ chiếm 18.5% tổng tài sản tại cuối Q4/2022. Công ty không có nợ vay dài hạn.

“Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2023 của Đường Quảng Ngãi sẽ đạt lần lượt 9.240 tỷ đồng và 1.344 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,9% và 4,6% so với cùng kỳ, nhờ các yếu tố chính: tiêu thụ mảng sữa đậu nành duy trì ổn định và giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm; giá đường nội địa được hỗ trợ bởi Quyết định 1514 và sản lượng đường RS tăng nhờ nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu (tăng 18.4% so với cùng kỳ)”, Mirae Asset kỳ vọng.

Bên cạnh đó, với vị thế chiếm khoảng 90% thị phần sữa đậu nành hộp giấy và 7% thị phần ngành sữa Việt Nam năm 2021, Đường Quảng Ngãi là mục tiêu M&A của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng khi cơ cấu sở hữu còn phân mảnh và chưa có cổ đông chiến lược suốt nhiều năm. Đây có thể là chất xúc tác hỗ trợ giá cổ phiếu trong dài hạn.

Thị trường chứng khoán ngày 17/4/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Nhóm cổ phiếu "trụ" ngáng đường VN-Index tuần qua; Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp; Novaland giãn thời gian phát hành ...

Lịch chốt quyền trả cổ tức các doanh nghiệp tuần từ ngày 17 - 21/4

Tuần từ ngày 17 - 21/4, hàng loạt doanh nghiệp sẽ chốt danh sách trả cổ tức các đợt năm 2021, 2022 như TNH, QNS, ...

Kinh tế trưởng MBS: NĐT không "ôm margin" trong những giai đoạn thị trường biến động

Nói về việc sử dụng đòn bẩy, theo kinh tế trưởng MBS, nhà đầu tư không "ôm margin" trong những giai đoạn thị trường biến ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán