Trò chuyện cùng Phạm Hoàng Công Huân - cán bộ BIDV, thí sinh đạt giải Nhất tuần 1 Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”

29/03/2024 - 05:37
(Bankviet.com) Là người giành giải Nhất tuần đầu tiên Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” khối thí sinh ngành Ngân hàng, Phạm Hoàng Công Huân, cán bộ thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ kinh nghiệm đạt giải cao, cũng như cảm nghĩ về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ ngân hàng.
z5289285413922_989f9196e000178ddafd622d7492db74.jpg
Phạm Hoàng Công Huân, cán bộ thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh, người giành giải Nhất tuần đầu tiên Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”

Phóng viên: Chúc mừng bạn đã giành giải Nhất tuần đầu tiên Cuộc thi "Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp". Bạn có thể giới thiệu đầy đủ tên, đơn vị công tác và vị trí công tác hiện tại?

Thí sinh: Em là Phạm Hoàng Công Huân, đang làm việc tại Phòng Khách hàng cá nhân, Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh. Em làm việc tại ngân hàng từ năm 2010, đến nay là 14 năm.

Phóng viên: Cảm xúc của bạn khi biết mình đạt giải nhất tuần đầu tiên cuộc thi "Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp" như thế nào?

Phạm Hoàng Công Huân: Trước nay em cũng hay tham gia các cuộc thi onlline do Công đoàn, Đoàn thanh niên tổ chức. Lần này, em vinh dự đạt giải cao. Hôm trước, em được Ban tổ chức thông báo đạt kết quả cao, em đã rất vui mừng. Sáng nay, nhận được thông báo và được các anh chị trong Ban chấp hành Công đoàn cơ sở báo tin, em đặc biệt phấn khởi và đang chuẩn bị ăn mừng nhẹ với anh em trong cơ quan.

Phóng viên: Bạn có thể chia sẻ bí kíp để đạt điểm tuyệt đối trong thời gian ngắn nhất và giành giải nhất tuần đầu tiên của cuộc thi?

Phạm Hoàng Công Huân: Em có nhóm bạn hay tham gia thi chung các cuộc thi. Khi tham gia Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cả nhóm cùng đọc tài liệu, sau đó phân công vài bạn thi trước để lấy kinh nghiệm. Em luôn thi bằng máy tính để có thể tiện đọc tài liệu, thao tác cũng nhanh hơn trên điện thoại.

Phóng viên: Cuộc thi vẫn còn 2 tuần thi, bạn có đặt mục tiêu gì trong những tuần thi tiếp theo không?

Phạm Hoàng Công Huân: Em cũng đang cố gắng tranh thủ ôn luyện thêm tài liệu rồi mới bắt đầu thi vòng 2. Em hay thi vào buổi chiều tối ở nhà cho yên tĩnh và mạng cũng ổn định hơn.

Phóng viên: Bạn đánh giá thế nào về cuộc thi này? Sau cuộc thi, bạn có tiếp tục lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của cuộc thi tới gia đình và bạn bè không?

Phạm Hoàng Công Huân: Em thấy cuộc thi được tổ chức rất bài bản, quy mô hơn những cuộc thi trước đây em từng tham gia. Cuộc thi được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là bạn bè em ở các ngân hàng cũng được phát động tham gia thi.

Trong khoảng thời gian như hiện nay, cuộc thi này sẽ đem lại tinh thần hăng hái, tích cực hơn cho toàn thể cán bộ ngân hàng để làm việc tốt hơn. Việc tham gia thi cũng giúp em, cũng như các anh/chị đồng nghiệp nắm rõ hơn về đạo đức, ứng xử của cán bộ ngân hàng để đem đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng hơn đến với khách hàng và xã hội.

Phóng viên: Đồng nghiệp hay người thân của bạn có tham gia thi không? Họ đánh giá thế nào về cuộc thi này?

Phạm Hoàng Công Huân: Dạ, hầu hết đồng nghiệp và người thân em đều tham gia vì người nhà em cũng làm việc ở các ngân hàng. Ban đầu, mọi người tham gia ở mức độ tương đối nhưng khi thấy em có giải thưởng thì không khí mọi người đều hứng khởi hơn và tham gia tích cực hơn. Gia đình, bạn bè em đều đánh giá cao cuộc thi và đang dự kiến sẽ tham gia thêm phần thi ảnh và phần thi tài năng.

Phóng viên: Là người có thâm niên làm việc trong ngành Ngân hàng (khoảng 14 năm), theo bạn, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng? Bạn có tiếp tục rèn luyện và lan tỏa đạo đức nghề, cũng như tiếp tục nâng cao kiến thức để đáp ứng tốt hơn cho công việc không?

Phạm Hoàng Công Huân: Theo em, đạo đức nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng tiên quyết của mọi cán bộ trong ngành Ngân hàng. Đây là một ngành đặc thù quản lý và sử dụng tiền vốn của Nhà nước và người dân, có ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, đời sống xã hội.

Do vậy, nhiệm vụ mỗi người cán bộ ngân hàng, cũng như bản thân em là phải không ngừng rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp để đóng góp một cách tích cực nhất cho đơn vị, cũng như cho ngành. Việc rèn luyện đạo đức và trau dồi kiến thức, kỹ năng trong nghề được em thực hiện thường xuyên và liên tục.

Phóng viên: Rất cảm ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ. Một lần nữa chúc mừng bạn!

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ