Trung Quốc giảm nhập khẩu, Mỹ mang mặt hàng chủ lực sang châu Á với giá rẻ, nhiều quốc gia hưởng lợi bao gồm cả Việt Nam

24/05/2025 - 09:38
(Bankviet.com) Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã tăng cường mua hàng.
Thị trường

Trung Quốc giảm nhập khẩu, Mỹ mang mặt hàng chủ lực sang châu Á với giá rẻ, nhiều quốc gia hưởng lợi bao gồm cả Việt Nam

Hoàng Anh 24/05/2025 09:06

Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã tăng cường mua hàng.

Việc Trung Quốc chuyển hướng khỏi ngô Mỹ đang mang lại lợi ích cho những người mua khác ở châu Á khi nguồn cung giá rẻ của Mỹ tràn vào thị trường, làm thay đổi cuộc cạnh tranh về loại ngũ cốc được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam nằm trong số các quốc gia đã tăng cường mua hàng. Lượng ngô Trung Quốc mua của Mỹ đạt đỉnh vào tháng 9 năm 2021 nhưng có xu hướng giảm kể từ giữa năm 2022, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào tháng 3 vừa qua. Gần đây hơn, tình trạng sụt giảm nhập khẩu đã trở nên trầm trọng hơn do Bắc Kinh kêu gọi hạn chế nhập khẩu để hỗ trợ giá tại nội địa, bảo vệ người nông dân.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2025”, Matthew Biggin, một nhà phân tích của BMI, một đơn vị thuộc Fitch Solutinons cho biết.

“Trong những tháng tới, chúng tôi dự đoán doanh số bán hàng sang các thị trường châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ tăng liên tục vì các quốc gia tăng cường dự trữ”.

Ngô chủ yếu được sử dụng ở châu Á để làm thức ăn gia súc, trong đó Trung Quốc là thị trường sở hữu đàn gia súc lớn nhất. Bắc Kinh cũng đã tìm cách hạn chế nhập khẩu đậu tương từ Mỹ - vốn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và chuyển sang nhập khẩu từ Brazil.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng ngô xuất khẩu của Mỹ sang Nhật Bản trong năm 2024-25 cao hơn 30% so với năm trước, đạt 8,9 triệu tấn tính đến ngày 15 tháng 5. Doanh số bán sang Việt Nam và Indonesia cũng đều tăng vọt sau một thời gian không ghi nhận nhập khẩu.

Theo USDA, lượng nhập khẩu của Hàn Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 7 năm vào đầu tháng này. Bộ Nông nghiệp dự báo thị phần của Mỹ tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng lên khoảng 30% vào năm 2025-26, tăng từ mức 7% vào năm 2022-23.

Đối với một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và gia súc, ngô từ Nam Mỹ được ưa chuộng hơn vì hạt cứng hơn và ít bụi hơn, nhưng nguồn cung từ Mỹ hiện có giá hấp dẫn hơn. Ngô Mỹ rất cạnh tranh ở Đông Nam Á, Caleb Wurth, giám đốc khu vực của Hội đồng Ngũ cốc Mỹ cho biết.

Thuế quan toàn diện của Tổng thống Donald Trump có thể thúc đẩy xuất khẩu ngô và các mặt hàng khác sang Châu Á nhiều hơn khi các quốc gia đàm phán các thỏa thuận thương mại. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đề xuất tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

“Nông dân Hoa Kỳ rất phấn khởi về mối quan hệ thương mại tiềm năng được tăng cường với các nước Đông Nam Á”, Dan Keitzer, giám đốc Hiệp hội trồng ngô Iowa cho biết. Ông gần đây đã gặp gỡ các nhà máy xay thức ăn chăn nuôi và thương nhân ngũ cốc trong khu vực, cùng với các nhà bán lẻ ethanol tại Philippines.

Theo USDA, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 10 triệu tấn ngô trong giai đoạn 2025-26, bao gồm cả từ Hoa Kỳ, cao hơn một chút so với năm trước, nhưng thấp hơn mức đỉnh điểm là 29,5 triệu tấn trong giai đoạn 2020-21. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự kiến tổng lượng mua vào là 7 triệu, ngang bằng với năm nay, đây là mức thấp nhất trong 6 năm.

Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến sự xáo trộn mạnh trong cơ cấu nguồn cung nông sản Mỹ, khi giá cả và chính sách thương mại trở thành yếu tố quyết định việc phân bổ đất đai giữa hai cây trồng chủ lực là ngô và đậu tương. Ngô và đậu tương là những cây trồng được sản xuất cùng thời điểm trong năm tại Mỹ và thường cạnh tranh diện tích trồng của nhau trong mùa vụ.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán