Hôm nay, ngày 17/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – Ngân hàng trung ương của Trung Quốc cho biết giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt, cho thấy khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn vào cuối tháng này.
PBOC đã cung cấp 182 tỷ Nhân dân tệ (25,09 tỷ USD) cho một số ngân hàng thông qua cơ chế cho vay trung hạn, với lãi suất 2,5%, không thay đổi so với trước đó.
Khi so với khoản vay đáo hạn trị giá 237 tỷ Nhân dân tệ đến hạn trong tháng này, cho thấy hệ thống ngân hàng đã rút ròng 55 tỷ Nhân dân tệ trong bối cảnh ngân hàng trung ương nỗ lực giải quyết tình trạng thanh khoản dư thừa. Điều này cũng báo hiệu nhu cầu tín dụng tiếp tục suy yếu trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài.
Ngân hàng trung ương cũng cung cấp 4 tỷ Nhân dân tệ thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày cho các ngân hàng với lãi suất 1,8%, cũng không thay đổi so với trước đó.
Việc giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn cho thấy lãi suất cơ bản cho vay chuẩn có thể sẽ giống như tháng trước vì tổ chức cho vay thường định giá các khoản vay cơ bản bằng lãi suất cho vay trung hạn. PBOC sẽ công bố lãi suất cơ bản cho vay vào thứ Năm tuần này (ngày 20/6).
Việc giữ nguyên lãi suất chính sách chủ chốt đã được dự đoán từ trước khi biên lợi nhuận thu hẹp của các ngân hàng Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định của khu vực tài chính. Một số nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm lãi suất chính sách không lại nhiều lợi ích trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và công ty Trung Quốc yếu đi.
Các nhà kinh tế cho biết, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu, cũng như khoảng cách lớn giữa lợi suất ở Trung Quốc và Mỹ, tiếp tục hạn chế sự lựa chọn của chính quyền Trung Quốc.
“Các nhà hoạch định chính sách có thể vẫn đang trong giai đoạn quan sát tác động của đợt nới lỏng mới nhất trước khi có bất kỳ nỗ lực mới nào”, nhà kinh tế Xianrong Yu của Citi cho biết trong một ghi chú.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay để hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn, sử dụng các công cụ như cắt giảm lãi suất chính sách và cắt giảm lượng tiền gửi bắt buộc mà các ngân hàng phải gửi tại ngân hàng trung ương.
Với những hạn chế của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa được nhiều người kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. “Về mặt hỗ trợ chính sách, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi liên tục trong chính sách của chính phủ từ nới lỏng tiền tệ sang kích thích tài chính nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước”, Serena Zhou, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Mizuho Securities ở Hồng Kông, nói với khách hàng trong một báo cáo vào tuần trước.
Vào tháng trước, Trung Quốc đã bắt đầu bán đợt trái phiếu siêu dài hạn đầu tiên trị giá 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, cùng với đó, chính quyền trung ương kêu gọi chính quyền địa phương đẩy nhanh việc bán trái phiếu của mình.
Lynn Song, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng ING cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất sẽ có lợi để hỗ trợ nền kinh tế vào thời điểm này” do dữ liệu tín dụng yếu được công bố vào thứ Sáu tuần trước. “Có khả năng PBOC đã trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cho đến nay vì xem xét ưu tiên chính sách cấp cao nhất nhằm duy trì sự ổn định tiền tệ ở mức hợp lý và cân bằng.”
Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua quá trình phục hồi không đồng đều. Xuất khẩu tháng 5 tăng cao hơn dự kiến trong khi lạm phát tăng ít hơn dự kiến. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát chính thức, hoạt động sản xuất đã giảm đáng ngạc nhiên trong tháng trước. Bất chấp việc tăng cường bán trái phiếu chính phủ để thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, tình trạng sụt giảm kéo dài của thị trường bất động sản vẫn không hề suy giảm.
Theo kết quả mới nhất từ cuộc khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc là 4,9% trong năm nay, khá sát với mục tiêu của quốc gia này là khoảng 5%, một mục tiêu mà các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sẽ cần nhiều biện pháp kích thích hơn.
V.A