Trung Quốc vừa làm điều bất ngờ này với Boeing, hàng không Mỹ vào trạng thái báo động

16/04/2025 - 08:31
(Bankviet.com) Trung Quốc bất ngờ yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng tiếp nhận máy bay Boeing. Động thái này không chỉ giáng đòn mạnh vào gã khổng lồ hàng không Mỹ mà còn khiến nhiều doanh nghiệp phải tính lại bài toán chi phí và chiến lược đầu tư.
Chuyển động

Trung Quốc vừa làm điều bất ngờ này với Boeing, hàng không Mỹ vào trạng thái báo động

Hoàng Thái 16/04/2025 08:04

Trung Quốc bất ngờ yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng tiếp nhận máy bay Boeing. Động thái này không chỉ giáng đòn mạnh vào gã khổng lồ hàng không Mỹ mà còn khiến nhiều doanh nghiệp phải tính lại bài toán chi phí và chiến lược đầu tư.

Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã ra chỉ đạo nội bộ yêu cầu các hãng hàng không quốc doanh tạm dừng giao dịch máy bay, thiết bị và linh kiện từ các công ty Mỹ, đặc biệt là Boeing. Quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên tới 125%, nhằm đáp trả động thái nâng thuế nhập khẩu của Washington đối với sản phẩm Trung Quốc lên 145%.

Để giảm tác động tài chính cho các hãng bay trong nước, Bắc Kinh cũng đang xem xét gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang thuê máy bay Boeing, nhất là các hãng chịu áp lực chi phí từ việc vận hành đội bay có nguồn gốc Mỹ.

Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng đối với Boeing. Khoảng 10 chiếc Boeing 737 MAX đã hoàn tất lắp ráp đang chờ bàn giao cho các hãng Trung Quốc, tuy nhiên chỉ những máy bay hoàn tất thủ tục trước khi thuế có hiệu lực mới có thể thông quan.

Trung Quốc yêu cầu các hãng hành không trong nước ngừng giao dịch với Boeing
Hình ảnh máy bay Boeing 747-8 Intercontinental của hãng hàng không Air China.

Việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu không chỉ gây tổn thất lớn cho Boeing, mà còn tạo thêm áp lực với toàn ngành hàng không toàn cầu vốn đang chật vật vì chuỗi cung ứng gián đoạn và các vấn đề kỹ thuật. Kể từ đầu năm 2025, cổ phiếu của Boeing đã mất 7% giá trị, một phần do lo ngại về tác động từ các rào cản thương mại cũng như chỉ trích của cổ đông liên quan đến chiến lược đầu tư kỹ thuật của hãng.

Trong khi đó, đối thủ châu Âu Airbus cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Giám đốc điều hành Guillaume Faury cho biết hãng đang gặp khó khăn trong việc nhận linh kiện từ nhà cung cấp Mỹ Spirit AeroSystems, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất máy bay A350 và A220.

Tại Trung Quốc, ba hãng hàng không lớn nhất bao gồm Air China, China Eastern và China Southern hiện có kế hoạch nhận hàng trăm máy bay Boeing từ 2025 đến 2027. Lệnh tạm ngưng nhập khẩu và hạn chế linh kiện từ Mỹ khiến các hãng đứng trước nguy cơ đội chi phí bảo trì, sửa chữa và gián đoạn kế hoạch khai thác.

Không chỉ ở Trung Quốc, các hãng bay quốc tế cũng đang dè dặt. CEO Ryanair Michael O’Leary cho biết hãng có thể sẽ trì hoãn nhận máy bay Boeing nếu chi phí tăng quá cao. Dự kiến nhận 25 chiếc vào tháng 8, nhưng Ryanair có thể đẩy kế hoạch sang đầu năm 2026.

Đây là cú đánh mới vào Boeing khi hãng đã trải qua nhiều năm đầy sóng gió. Kể từ sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng 737 MAX, Trung Quốc đã tạm ngưng phần lớn đơn hàng từ năm 2019 đến nay. Gần đây, sự cố bung cửa máy bay trên một chiếc MAX 9 càng làm dấy lên lo ngại về chất lượng và quy trình kiểm định của Boeing. Kể từ sự cố nói trên, cổ phiếu Boeing đã mất hơn 1/3 giá trị.

Ngoài ra, hãng còn đối mặt với áp lực từ cổ đông, sự giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách Mỹ, tình trạng đình công và chuỗi cung ứng gián đoạn, tất cả đang khiến hoạt động kinh doanh rơi vào trạng thái "báo động".

Không chỉ các hãng sản xuất máy bay, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như Howmet Aerospace (Mỹ) cũng đối mặt bài toán khó: ai sẽ gánh chi phí thuế mới? Điều này có thể làm trì hoãn hoặc phá vỡ hàng loạt hợp đồng cung cấp linh kiện giá trị hàng tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến "ăn miếng trả miếng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chuyển từ hàng hóa tiêu dùng sang các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp chiến lược, trong đó ngành hàng không là một chiến địa lớn. Đồng thời đẩy quan hệ thương mại song phương vào thế bế tắc, với tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đạt hơn 650 tỷ USD trong năm 2024.

Trung Quốc có thể đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng và tăng tốc phát triển các dòng máy bay nội địa như COMAC C919 – điều sẽ tái định hình lại cuộc chơi trong ngành hàng không toàn cầu, đồng thời đẩy các doanh nghiệp quốc tế vào thế phải đánh giá lại chiến lược đầu tư dài hạn tại thị trường tỷ dân.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán