Chủ tịch PVTrans : Thị trường vận tải có suy giảm nhưng vẫn ở mức cao và hấp dẫn, chưa đến mức quá khó khăn
Chủ tịch PVTrans cho biết thị trường vận tải đã suy giảm khoảng 10–20% dù chưa áp thuế, nhưng giá cước vẫn ở mức cao, ông cho biết thị trường chưa đến mức quá khó khăn và vẫn còn hấp dẫn để đầu tư trong trung và dài hạn.
Tại Đại hội tổ chức ngày 15/4, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu hợp nhất mục tiêu đạt 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 960 tỷ đồng – giảm lần lượt 12% và 35% so với năm 2024. Đây được xem là sự điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh ngành vận tải có dấu hiệu chững lại và chịu tác động từ nhiều yếu tố toàn cầu như cung dầu tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm tốc và những bất ổn địa chính trị.

Ban điều hành PVTrans cho biết sẽ duy trì thị phần nội địa vững chắc, đặc biệt là cung cấp dịch vụ vận tải cho các nhà máy lọc dầu trong nước như Bình Sơn và Nghi Sơn. Trường hợp nhà máy Dung Quất tăng mua dầu nội địa lên tối đa 40–42 triệu thùng, tỷ lệ vận chuyển nội địa có thể chiếm tới 70–75%, tạo thêm cơ hội tăng trưởng cho PVTrans.
Đầu tư mạnh tay vào đội tàu, hướng tới các lĩnh vực mới
Năm 2025, công ty dự kiến đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng để phát triển đội tàu, bao gồm tàu dầu thô Aframax, tàu dầu sản phẩm MR, tàu chở hàng rời và tàu chuyên dụng LNG/VLGC. Cơ cấu vốn sẽ gồm khoảng 2.290 tỷ đồng từ nguồn vay và hơn 1.260 tỷ đồng từ vốn tự có.
Bên cạnh đó, PVTrans cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, tương đương hơn 113,9 triệu cổ phiếu phát hành thêm từ lợi nhuận chưa phân phối. Đây là giải pháp vừa gia tăng vốn, vừa đảm bảo cổ đông được hưởng quyền lợi ổn định.
Theo ông Phạm Việt Anh – Chủ tịch HĐQT, trong giai đoạn thị trường còn tiềm ẩn rủi ro, doanh nghiệp vẫn kiên định với chiến lược đầu tư có chọn lọc. “Nếu đầu tư sai thời điểm, hậu quả kéo dài đến cả chục năm. Ngược lại, những thương vụ đúng đắn có thể mang lại lợi nhuận ngay từ những năm đầu”, ông nhận định. Từ giai đoạn 2019–2020 đến nay, PVTrans đã tranh thủ đầu tư ở thời điểm giá tàu còn thấp, giúp tổng tài sản tăng gần gấp đôi chỉ sau ba năm, đạt xấp xỉ 20.000 tỷ đồng.
Ứng phó rủi ro và tìm kiếm cơ hội trong khó khăn
Liên quan đến khả năng Mỹ áp thuế đối ứng, lãnh đạo PVTrans cho biết doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu và chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Tác động từ thuế quan, theo ông Việt Anh, không chỉ là vấn đề cục bộ mà còn có thể dẫn đến những thay đổi sâu rộng trong thương mại toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực logistics – vốn phản ứng rất nhanh với biến động chính sách.
Mặc dù thị trường vận tải đã ghi nhận mức suy giảm 10–20%, mặt bằng giá cước hiện vẫn duy trì ở mức cao. Công ty đang triển khai các biện pháp linh hoạt như điều chỉnh khấu hao, trích trước chi phí dự phòng 300 tỷ đồng và rà soát lại toàn bộ hợp đồng vận tải.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy hoạt động vẫn ổn định với doanh thu 2.800 tỷ đồng (tăng 8%) và lợi nhuận 370 tỷ đồng – gần như không biến động so với cùng kỳ. Trong quý II, dù thời hạn hoãn thuế quan kéo dài 90 ngày, PVTrans vẫn thận trọng và tiếp tục rà soát các hợp đồng để đảm bảo tính linh hoạt.
Đối với các lĩnh vực mới, LNG đang được PVTrans xem như hướng đi chiến lược trong dài hạn. Dù hiện nay thị trường trong nước chưa thật sự ổn định do phụ thuộc vào công suất ngành điện, doanh nghiệp vẫn quan tâm đến đầu tư tàu chở LNG trong tương lai. Song song đó, mảng logistics – đặc biệt là cảng cạn – cũng đang được PVTrans xúc tiến thông qua các hoạt động M&A và đàm phán cùng đối tác.
Trong khi hàng lỏng vẫn là thế mạnh truyền thống, công ty chưa có kế hoạch mở rộng sang container vì cần chuỗi vận hành đồng bộ. Tuy nhiên, bằng việc khai thác năng lực sẵn có và sự hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVTrans kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng không gian tăng trưởng ngay cả trong những giai đoạn khó lường.