Một ngày trước Đại hội của Hòa Phát: Các cổ đông trông chờ điều gì?
Một ngày trước ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Tập đoàn Hòa Phát, hàng trăm nghìn nhà đầu tư trông chờ điều gì?
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn Hòa Phát sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai (17/4) tại khách sạn Melia Hanoi. Sự kiện được kỳ vọng thu hút sự tham gia đông đảo từ cộng đồng cổ đông.

Được ví như 'cổ phiếu quốc dân', đại hội của Hòa Phát hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ hàng trăm nghìn cổ đông, trở thành tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán.
Với lượng cổ đông thuộc nhóm đông đảo nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các kỳ ĐHĐCĐ của Hòa Phát luôn là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn. Năm 2024, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long tiết lộ số lượng cổ đông của tập đoàn lên tới gần 166.000 người, tương đương dân số một quận tại Hà Nội.
Sức hút của đại hội không chỉ đến từ quy mô cổ đông mà còn nằm ở thời điểm bản lề khi Hòa Phát bước vào một chu kỳ phát triển mới, với điểm nhấn là vận hành khu liên hợp Dung Quất 2 – một dự án trị giá 85.000 tỷ đồng có thể đưa tập đoàn lọt nhóm 30 doanh nghiệp thép lớn nhất toàn cầu. Dự án này không chỉ giúp nâng công suất thép thô lên 14,5 triệu tấn, mà còn mở đường để Hòa Phát tăng gấp đôi sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) – sản phẩm chiến lược chi phối tương lai ngành công nghiệp nặng tại Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hòa Phát vẫn liên tục phát triển. Quy mô tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận tập đoàn đã có bước nhảy vọt khi tổ hợp Dung Quất 1 đi vào hoạt động từ năm 2021. Tổng tài sản tính đến cuối 2024 đạt 224.490 tỷ đồng, doanh thu 138.855 tỷ đồng; cùng hơn gấp đôi 2019. Lợi nhuận sau thuế hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 60%.
Những vấn đề đang chờ lời giải từ Chủ tịch Trần Đình Long
Với kỳ vọng doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng trong năm 2025, cổ đông sẽ quan tâm Hòa Phát dựa vào đâu để hiện thực hóa kế hoạch tăng trưởng hơn 20% so với năm trước. Trong bối cảnh giá thép thế giới còn nhiều biến động, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng – đặc biệt khi Mỹ đang xem xét áp thuế cao với thép Việt Nam – năng lực cạnh tranh của Hòa Phát sẽ được kiểm nghiệm mạnh mẽ, nhất là khi tập đoàn đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, Mexico, Peru và nhiều quốc gia khác.
Dung Quất 2, với phân kỳ 1 dự kiến vận hành từ quý II, sẽ là trọng tâm tại đại hội. Nhà đầu tư chờ đợi lãnh đạo tập đoàn công bố mức đóng góp cụ thể của tổ hợp này vào lợi nhuận, đồng thời làm rõ mức sinh lời ra sao khi chi phí đầu tư lớn và áp lực thị trường còn hiện hữu. Bài toán chi phí tài chính cũng sẽ nóng hơn, bởi khi việc vốn hóa chi phí lãi vay của Dung Quất 2 kết thúc, gánh nặng tài chính quay trở lại bảng cân đối kế toán.
Bên cạnh thép, lĩnh vực nông nghiệp – từng bị xem là mảng ngoài lề – lại bất ngờ vươn lên. Năm 2024, nông nghiệp Hòa Phát đem về 7.100 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Với kết quả vượt xa kỳ vọng, nhiều người sẽ muốn biết liệu Hòa Phát có dự định tách mảng này thành pháp nhân riêng để IPO, và đâu là chiến lược dài hạn cho lĩnh vực được coi là “lá chắn” phòng ngừa chu kỳ thép.
Một điểm đáng chú ý khác là bất động sản. Trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng, Hòa Phát vẫn quyết liệt đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội tại KCN Yên Mỹ II với 9.000 căn hộ. Từ năm ngoái, tập đoàn đã đặt mục tiêu lọt top 3 bất động sản và lên kế hoạch xây dựng các đại đô thị quy mô 300-500 ha trong thập kỷ tới. Câu hỏi đặt ra là chiến lược này mang lại lợi nhuận thực chất hay chỉ nhằm hoàn thiện hệ sinh thái cho công nghiệp và thể hiện trách nhiệm xã hội?
Ngoài ra, khi Việt Nam dự kiến triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, thông tin Hòa Phát đã nghiên cứu thép đường ray suốt 2–3 năm sẽ khiến giới đầu tư tò mò về khả năng hiện thực hóa. Cơ hội để Hòa Phát chen chân vào chuỗi cung ứng hạ tầng quốc gia sẽ được Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ ra sao?
Cổ phiếu HPG và tương lai của ông Trùm ngành thép
Hơn 3 năm trôi qua kể từ đỉnh giá tháng 10/2021, cổ phiếu HPG vẫn chưa trở lại vùng vinh quang. Dù nhà đầu tư ngắn hạn có thể đã tận dụng được những nhịp sóng hồi, nhưng với nhiều người gắn bó lâu dài, niềm tin đang bị thử thách. Liệu ban lãnh đạo Hòa Phát có giải pháp cụ thể nào để nâng cao giá trị cổ phiếu, tái tạo niềm tin vào chiến lược dài hạn?
Cuối cùng, một chủ đề được chú ý không kém chính là tương lai lãnh đạo của tập đoàn. Ở tuổi 64, ông Trần Đình Long từng chia sẻ sẽ dần rút khỏi công việc điều hành. Với Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng ngày càng được giao nhiều quyền hạn, và con trai Trần Vũ Minh nắm giữ lượng cổ phiếu lớn, câu hỏi về kế hoạch chuyển giao thế hệ tại Hòa Phát hẳn sẽ một lần nữa được nêu ra tại đại hội – không chỉ như một thủ tục, mà như một bước chuẩn bị cho tương lai hậu "ông Long".