Trong bối cảnh thị trường khát nhân lực thiết kế - chế tạo vi mạch, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã quyết định tham gia vào đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao này.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định, Trường UNETI làm việc với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) |
Hợp tác, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI) có 2 cơ sở đào tạo tại tỉnh Nam Định và TP. Hà Nội, trong đó cơ sở chính đặt trên địa bàn TP. Nam Định - địa phương đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của vùng Đồng bằng sông Hồng và là điểm dừng chân của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TS. Trần Hoàng Long - Hiệu trưởng UNETI - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh Nam Định trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội đặc biệt nhu cầu nhân lực cho các Tập đoàn, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thời gian qua, nhà trường đã triển khai số nội dung về việc hợp tác tuyển dụng giữa nhà trường và Tập đoàn Quanta Computer Inc và kế hoạch mở ngành đào tạo về thiết kế và chế tạo vi mạch.
Chương trình hợp tác được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 UNETI sẽ tuyển dụng kỹ sư các khối ngành kỹ thuật: Công nghệ thông tin (CNTT), Cơ khí, Điện, Điện tử và cử nhân các ngành Kế toán, khối ngành kinh tế, cử nhân Ngôn ngữ Anh.
“Theo đó, các ứng cử viên sau khi trúng tuyển sẽ đi đào tạo tại cơ sở Quanta Thượng Hải 3 - 6 tháng rồi trở về làm việc tại Quanta Computer Inc đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định” - TS. Trần Hoàng Long chia sẻ và cho biết, hiện UNETI đã thông báo đến sinh viên tốt nghiệp năm 2023 để các sinh viên gửi công văn theo mẫu tới Quanta.
Trước đó, tại Lễ bế giảng năm học vào ngày 27 - 28/6 vừa qua của Khoa CNTT, Khoa Điện, Điện tử, và Khoa Ngoại ngữ, Giám đốc nhân sự cao cấp và chuyên viên Phòng Nhân sự của Tập đoàn Quanta Computer Inc đã sang Việt Nam phỏng vấn trực tiếp những sinh viên sử dụng được ngoại ngữ Anh và Trung.
Kết quả, đã có 70 CV và ứng viên được xem xét chờ sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp năng lực và hưởng lương, chế độ theo vị trí việc làm.
Giai đoạn 2, chương trình hợp tác sẽ tập trung vào công tác đào tạo, thực hành, thực tập cho sinh viên các khối ngành kỹ thuật: Công nghệ thông tin, cơ khí, điện, điện tử của UNETI từ năm học thứ 3. Sau đó thực hành thực tập làm việc trực tiếp tại Nhà máy tại Khu Mỹ Thuận.
Tham gia vào cung cấpnhân lực chất lượng cao
Theo TS. Trần Hoàng Long, căn cứ vào chương trình hợp tác trên và nhu cầu của thị trường lao động đối với lĩnh vực thiết kế - chế tạo vi mạch, UNETI đã có kế hoạch mở chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế mạch tích hợp và vi mạch.
Cụ thể, nhà trường đã tiến hành các chương trình làm việc với các chuyên gia về lĩnh vực điện tử và vi mạch của các trường đại học lớn tại Hà Nội như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời xúc tiến làm việc, thảo luận với Giáo sư Edward Chang- Giáo sư hàng đầu về lĩnh vực điện tử và vi mạch của Đại học YangMing Chiao Tung, Đài Loan (Trung Quốc).
Hiện, chúng tôi đã xây dựng xong khung chương trình đào tạo cho chuyên ngành mới trong Chương trình đào tạo của khoa Điện tử: Kỹ thuật thiết kế mạch tích hợp và vi mạch và bổ sung thêm 2 học phần chọn lựa cho sinh viên: Vật liệu bán dẫn, Kỹ thuật chế tạo linh kiện bán dẫn, gửi tới Giáo sư Chang xin ý kiến góp ý.
Thu Hường