TS. Nguyễn Quốc Hùng: Ngân hàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay

14/12/2023 - 18:08
(Bankviet.com) Tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có những chia sẻ cụ thể liên quan đến việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK).

"Ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay"

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng thông tin, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang dư thừa về thanh khoản, lượng thanh khoản rất dồi dào, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, lĩnh vực XNK là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên, do đó, ngân hàng xác định phải dành nguồn đầu tư cho lĩnh vực này. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất hàng sang những khu vực đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) (Việt Nam hiện có 16 hiệp định FTA có hiệu lực), đây là một trong những đối tượng khách hàng được ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp (hiện thấp nhất là 4%).

“Với điều kiện thanh khoản dồi dào, đối tượng ưu tiên và lãi suất thấp, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng là rất lớn", TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Hùng phân tích, do hậu quả của dịch COVID-19 trong 2 năm liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Dẫu cho ngành Ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với các doanh nghiệp, cụ thể như: giảm lãi suất, cơ cấu nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, cho vay mới… song bản thân doanh nghiệp không còn nguồn lực. Doanh nghiệp vẫn còn nợ trong khi không còn tài sản bảo đảm, hợp đồng đầu ra không chắc chắn thì ngân hàng không thể cho vay tiếp. Nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tài chính cũng như quản trị dòng tiền, quản trị sản xuất kinh doanh… nên không đáp ứng đủ điều kiện cho vay.

"Chính vì vậy, mặc dù nằm trong đối tượng ưu tiên nhưng rõ ràng nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được", TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.

z4908269122824_21278a73ce3c71b3edcd7c91fb4a23be.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Nhấn mạnh việc Ngân hàng phải cho vay theo nguyên tắc đảm bảo đúng quy định, TS. Nguyễn Quốc Hùng nói: "Ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Mọi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục cho vay phải đáp ứng thì doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn vay".

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp xuất khẩu

Trên thực tế, 10 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành Ngân hàng đạt trên 7%, riêng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu là 11,61%, cao hơn so với năm 2022 và so với cùng kỳ năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 0,72%.

Như vậy, lượng vốn tín dụng vào lĩnh vực XNK đã tăng so với năm 2022. Chính phủ cũng như ngành Ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn, dành hẳn một nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho lĩnh vực này, chẳng hạn như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hoàn toàn có thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Nhắc lại việc không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng các điều kiện, nguyên tắc để đảm bảo có thể là hậu kiểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, có thể cho vay nhưng kiểm tra sau và có một thái độ rất nghiêm khắc khi doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.

Nhằm đẩy mạnh và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các doanh nghiệp cần cơ cấu và xác định lại nguồn lực cũng như huy động vốn, trang thiết bị công nghệ, đặc biệt là trang thiết bị đảm bảo đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

“Đối với huy động vốn, vốn sẽ đến từ nhiều nguồn: thị trường vốn, thị trường chứng khoán, từ các tổ chức tài chính quốc tế, cuối cùng mới là các TCTD. Do tính chất các nguồn vốn huy động của ngân hàng là kỳ hạn ngắn nên nguồn vốn cho vay chủ yếu là vay bổ sung, mang tính ngắn hạn. Còn đối với vốn trung, dài hạn, các TCTD căn cứ vào khả năng, điều kiện để cho vay nhưng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn huy động ngắn hạn", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Hiện nay, VNBA tổ chức rất nhiều hội thảo quốc tế về tăng trưởng xanh, công trình xanh, sản phẩm xanh, sạch... nhằm hướng tới mục tiêu phát thải khí các-bon bằng "0" đến năm 2030. Nếu như doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn này, lãi suất được ưu đãi thông qua các tổ chức quốc tế như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh một lần nữa, doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng yêu cầu cho vay rất cao từ các tổ chức này.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng khuyến nghị, doanh nghiệp nên tập trung và hướng tới những sản phẩm trách nhiệm, những sản phẩm thân thiện với môi trường tăng trưởng xanh, từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tiến tới bao bì cũng phải sạch. Như vậy, ngành Ngân hàng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để có thể thu hút và tận dụng những nguồn vốn của các tổ chức quốc tế.

Để đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực sản xuất nói chung và lĩnh vực XNK nói riêng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, các TCTD đã áp dụng dịch vụ bao thanh toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xuất/nhập khẩu. Ngành Ngân hàng cũng đang hướng tới việc kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ năng lực về sản xuất, kinh doanh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo các địa phương mở rộng, đẩy mạnh và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể đồng hành cùng ngân hàng; đồng thời bảo lãnh cho các doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng để có thể phát triển đồng bộ, hỗ trợ giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ