TS. Nguyễn Trí Hiếu: 3 yếu tố cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận khả quan

29/06/2021 - 18:32
(Bankviet.com) Các ngân hàng khác dù chưa tiết lộ kết quả kinh doanh trong quý II, song lãnh đạo đều lạc quan rằng kinh doanh vẫn tích cực và "đi theo đúng kế hoạch đã đề ra"...

Các chuyên gia đánh giá, kết quả kinh doanh quý II năm ngoái ghi nhận “điểm trũng” khá sâu do tác động của dịch bệnh, nên hầu hết các ngành trong quý II năm nay được kỳ vọng sẽ khởi sắc so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 có mức độ tương đối mạnh và diễn ra trên diện rộng, tại các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đồng thời dự kiến kéo dài hơn so với những đợt dịch trước, sẽ cản trở sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành tiêu dùng, dịch vụ, hàng không…

Điều này được dự báo sẽ tác động gián tiếp đến hoạt động ngân hàng năm 2021. Tuy nhiên, nửa năm tài chính đã qua đi, dường như những khó khăn đó đã được các ngân hàng "hoá giải", khi kết quả kinh doanh bước đầu cho thấy vẫn xuất hiện những con số tăng trưởng tích cực.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo, trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm. Trong đó, riêng quý I vừa qua, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.150 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, nhóm phân tích của SSI Research cho biết, tăng trưởng tín dụng của MSB trong 5 tháng đầu năm đã chạm mức trần được cấp phép đầu năm là 10,5%. Theo đó, MSB đã xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mức trần và kỳ vọng được phê duyệt trong tháng 6/2021.

Các ngân hàng khác dù chưa tiết lộ kết quả kinh doanh trong quý II, song lãnh đạo đều lạc quan rằng kinh doanh vẫn tích cực và "đi theo đúng kế hoạch đã đề ra".

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng vào tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhờ 3 yếu tố.

Thứ nhất là đến từ hoạt động cho vay: dự báo đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 (3,26%). Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng tăng trưởng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới.

Thứ hai là việc cải thiện biên lãi ròng (NIM) do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng, chưa kể nhiều nhà băng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp. Hoặc các khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài sẽ là cơ hội để ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận.

Yếu tố thứ ba là tăng thu từ hoạt động dịch vụ hợp tác bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán