TS Võ Trí Thành: Từ thách thức thuế quan đến cơ hội cải cách kinh tế

07/04/2025 - 03:07
(Bankviet.com) “Trong nguy có cơ”, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, là dịp để doanh nghiệp xuất khẩu nhìn lại chính mình.
Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường nước ngoài: Sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ Bộ Ngoại giao thông tin trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% với Việt Nam Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài nêu loạt giải pháp trước 'bão' thuế quan Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thuế Giảm thuế nhập khẩu với Hoa Kỳ: Mở cửa thị trường, giữ chắc nền móng

Phản ứng chính sách kịp thời trên nguyên tắc công bằng, cùng có lợi

Vừa qua, Hoa Kỳ đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Theo đó, từ 5/4, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại, và từ 9/4 áp dụng các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với từng quốc gia, hàng hóa Việt Nam bị áp thuế 46%.

TS Võ Trí Thành: Từ thách thức thuế quan đến cơ hội cải cách kinh tế
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, "trong nguy có cơ", việc Hoa Kỳ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Huỳnh Lập

Thông tin tới Báo Công Thương về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng không quá ngạc nhiên về việc áp thuế của Hoa Kỳ dịp này, song đây là mức thuế quan gây chấn động với các nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam đã có những ứng xử, phản ứng chính sách rất kịp thời đảm bảo nguyên tắc thương mại công bằng, minh bạch, cùng có lợi.

“Chúng ta đã biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng liên tục làm việc, có những buổi gặp gỡ với các đối tác Hoa Kỳ nhằm duy trì các kênh đối thoại và làm rõ quan điểm của Việt Nam.

Và Bộ Công Thương cũng có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên; đồng thời đang thu xếp một cuộc điện đàm, làm việc trong thời gian sớm nhất để xử lý vấn đề này.

Chúng ta rất thiện chí. Sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại với phía bạn để nêu ra những vấn đề trong chính sách thuế quan về xuất xứ, công bằng thương mại.

Chúng ta sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ để góp phần giảm thâm hụt thương mại, hoặc sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng quan trọng, chiến lược từ Hoa Kỳ để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam” - TS. Võ Trí Thành thông tin.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, cùng với những động thái nêu trên, Việt Nam cũng quan tâm đến các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các nhà đầu tư, minh bạch hóa các vấn đề xuất xứ, nâng cao không chỉ cam kết mà còn các vấn đề trong thực thi sở hữu trí tuệ, quá trình chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi…

“Được biết, vừa qua Bộ Công Thương đã có dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Nghị định là một phần quan trọng trong nỗ lực tổng thể của Việt Nam trong việc ứng xử thương mại, đầu tư không chỉ với Hoa Kỳ mà cả các đối lớn, quan trọng của Việt Nam.

Dự thảo Nghị định cũng là một thông điệp gửi đến các đối tác thương mại của Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ đó là: Việt Nam tiếp tục hội nhập nhưng hội nhập có trách nhiệm dựa trên những nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, phù hợp và hài hòa lợi ích giữa các bên” - TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

““Trong nguy có cơ”- chúng ta đã nói đến câu này rất nhiều lần, trong nhiều bối cảnh. Và hiện nay, câu này vẫn đúng với thực tiễn tại của Việt Nam” - TS. Võ Trí Thành chia sẻ và cho rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế 46% lên hàng hóa của Việt Nam cũng là cơ hội để tái cấu trúc, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập; góp phần nâng cao tính tự lực, tự cường của đất nước.

Không chỉ vậy, giai đoạn này cũng cần sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc lại chính mình, góp phần tạo nền tảng phát triển tốt nhất.

TS Võ Trí Thành: Từ thách thức thuế quan đến cơ hội cải cách kinh tế
Đẩy nhanh các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán về mức thuế quan, hài hòa lợi ích đôi bên; tạo thuận lợi hóa cho thương mại. Ảnh: Hải Hưng

Điều quan trọng nhất để ứng phó với bão thuế quan của Hoa Kỳ hiện nay, theo ông Thành, trong ngắn hạn, phải bình tĩnh, nhìn tổng thể, toàn diện để có ứng xử phù hợp nhưng quyết liệt.

Trước mắt, cần đẩy nhanh các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đàm phán về mức thuế quan, hài hòa lợi ích đôi bên; tạo thuận lợi hóa cho thương mại để giữ chân các nhà đầu tư đã có và thu hút các nhà đầu tư mới.

“Đây không chỉ là câu chuyện của hôm nay mà còn là vấn đề dài hạn. Vừa giải quyết những khó khăn trước mắt, nhưng cũng góp phần tạo nền tảng để phát triển bền vững ở tương lai” - TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm và chia sẻ, trong phát triển bền vững có cả thương mại, đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng... Làm được điều này cần hoàn thiện thể chế, cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nhân lực, cải thiện hạ tầng, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất...

Về dài hạn, TS. Võ Trí Thành cho rằng, phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa những ưu đãi và cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Với 17 hiệp định FTA đã ký, Việt Nam là nước sở hữu số lượng FTA nhiều nhất và nhờ đó những năm qua xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng vượt bậc với gần 800 tỷ USD. Những doanh nghiệp đủ năng lượng được khuyến khích tận dụng thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và lô hàng lớn về xuất khẩu.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa ít kinh nghiệm xuất khẩu, thì cần được cung cấp thông tin thị trường để hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thị hiếu người dùng.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, để khai thác được các FTA phải đáp ứng quy tắc xuất xứ; chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

“Như vậy, cùng với việc có các FTA; có thêm sự hỗ trợ, đồng hành từ Chính phủ, từ các Bộ, ngành… doanh nghiệp xuất khẩu đã có nền tảng, có chỗ dựa... nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, tránh phụ thuộc vào một thị trường thì chính sách thôi là chưa đủ, mà rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp” - TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Thông tin về sự chuẩn bị, ứng phó của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết, đây là vấn đề mà Bộ Công Thương cũng đã có dự báo ngay từ khi Tổng thống Trump ra tranh cử.

Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án, kịch bản xảy ra.

Chính phủ cũng đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ phó Tổ công tác, Thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương