Vô tư nô đùa bên cờ ba sọc, vợ chồng O Sen Ngọc Mai và Quốc Nghiệp nói gì? Quốc Nghiệp – O Sen Ngọc Mai có đúng chỉ “sơ suất” trước lá cờ 3 sọc? |
Hiện, phản ứng của cộng đồng về clip lan truyền trên mạng có liên quan đến gia đình ca sĩ O Sen Ngọc Mai và "hoàng tử xiếc" Quốc Nghiệp vẫn chưa thấy “hạ nhiệt”. Cụ thể, trong đoạn clip ghi lại hình ảnh vợ chồng nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và ca sĩ O Sen Ngọc Mai vui đùa với các con trong một căn phòng, khán giả phát hiện trên đầu giường có treo cờ ba sọc, lá cờ biểu tượng của chế độ Sài Gòn cũ (trước năm 1975).
O Sen Ngọc Mai và Quốc Nghiệp |
Trước phản ứng của công chúng, Quốc Nghiệp cũng đã giải thích: “Sau hơn hai tuần xa cách, cả gia đình vui mừng gặp lại trong ngôi nhà của một cô chú tình nguyện viên để chờ vô ngôi nhà ở chính. Chồng vợ, cha con hạnh phúc vui đùa nên không để ý xung quanh, không kiểm soát chi tiết gì lọt vào camera. Qua việc này, Quốc Nghiệp - Ngọc Mai đã rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ không để những việc tương tự xảy ra”. Tuy nhiên, lời chia sẻ vẫn khó nhận được sự cảm thông cũng như công chúng vẫn khó lòng chấp nhận cho hành vi này!
Trao đổi với Báo Công Thương về vụ ồn ào này của vợ chồng nghệ sĩ O Sen Ngọc Mai và Quốc Nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công Ty Luật SBLAW cho rằng, quay chụp cùng với cờ của chế độ Sài Gòn cũ có thể gợi nhớ đến những giai đoạn lịch sử nhạy cảm. Vì vậy, việc dư luận bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ, thậm chí nhiều ý kiến kêu gọi cơ quan chức năng tước danh hiệu, cấm hoạt động nghệ thuật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi của hai nghệ sĩ đã gây ảnh hưởng phần nào đến tự tôn dân tộc của nhiều người.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Ngọc Mai từng là Đảng viên khi còn là giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Quốc Nghiệp, cùng anh trai, tuy bị loại khỏi danh sách đề xuất danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nhưng lại là nghệ sĩ trẻ nhất từng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, nhận được danh hiệu khi ở tuổi 26. “Hiện có nhiều tranh cãi về những quy định pháp luật liên quan mà họ có thể đã vi phạm, tuy nhiên, để có câu trả lời chính xác và đầy đủ, cần có thời gian để các cơ quan chức năng tiến hành xác minh và đánh giá toàn diện sự việc”- Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cài huy hiệu lạ trên trang phục biểu diễn cũng đã khiến công chúng phản ứng và cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra. Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài và phụ kiện với hình tượng huân, huy chương của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp nội dung các tiết mục, tổng thể chương trình, giá trị văn hoá Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và đã tạo nên dư luận xấu.
Việc dư luận bày tỏ sự bức xúc trước các hành vi phản cảm, gây tranh cãi của nghệ sĩ là điều dễ hiểu, bởi nghệ sĩ được coi là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và họ có ảnh hưởng rộng lớn đến công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng, qua vụ ồn ào của O Sen Ngọc Mai – Quốc Nghiệp hay Đàm Vĩnh Hưng cũng thêm một bài học lớn đối với nghệ sĩ về ý thức chính trị, nhận thức về vai trò, trách nhiệm công dân, danh dự và đạo đức của người nghệ sĩ.
“Với sự ảnh hưởng rộng lớn đến công chúng, hơn ai hết, nghệ sĩ phải càng nâng cao ý thức trách nhiệm, đặc biệt là ý thức chính trị trong mọi hoạt động của mình. Nhưng qua những sự việc vừa xảy ra, có thể thấy điều này vẫn chưa được nghệ sĩ, người nổi tiếng xem trọng đúng mức”- Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Năm 2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Bộ quy tắc này nhằm mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, đặc biệt là góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, quy định chung đối với nghệ sĩ đã nêu rõ nghệ sĩ phải đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết; trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. Đặc biệt, phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật.
Ngay khi ban hành Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ nhiều ý kiến bày ủng hộ rất cao, bởi đây là giải pháp nhằm điều chỉnh hành vi của những người làm nghệ thuật bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu"; là bản cam kết của những người hoạt động nghệ thuật, nếu nghệ sĩ không tự giác thực hiện "bản cam kết" này thì tự thân họ đã tách khỏi môi trường nghệ thuật và công chúng hoàn toàn có quyền quay lưng với họ.
Do đó, trong bối cảnh thông tin mạng xã hội lan truyền nhanh chóng như hiện nay, nghệ sĩ càng cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức của mình. Đặc biệt, vấn đề đạo đức, ứng xử của người nghệ sĩ phải được đặt lên hàng đầu. Luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ thêm quan điểm, mỗi nghệ sĩ cần nhận thức rõ hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của mình, cũng như nhận thức rõ danh dự, trách nhiệm, sứ mệnh để từ hành động, lời nói, sản phẩm nghệ thuật mang lại những ảnh hưởng tốt đẹp đến công chúng.
"Các sự việc đã xảy ra đều có thể nằm trong tầm hiểu biết, kiểm soát nếu họ đủ cẩn trọng, nhạy cảm và có ý thức tốt về trách nhiệm của mình trên nhiều phương diện. Mặt khác, nếu họ nhận thức được vai trò và nghĩa vụ của mình, đồng thời có ý thức chính trị đúng đắn thì sẽ không bao giờ để xảy ra những hành vi hay phát ngôn gây ồn ào như vậy"- Luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ.