Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm bệnh nhi tử vong vì tay chân miệng Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc điều trị tay chân miệng |
Theo giới chuyên gia, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường khiến số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng gia tăng trên toàn quốc. Tuy nhiên, trước thông tin về việc thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết hiện nay thuốc điều trị bệnh tay chân miệng không thiếu.
Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Ảnh: Vietnamnet |
Hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu về Việt Nam với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến, cuối tháng 11, khoảng 2.000 lọ thuốc sẽ tiếp tục được nhập khẩu về Việt Nam.
Dự kiến trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.
Đối với thuốc chứa hoạt chất phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng, hiện nay có một thuốc do cơ sở trong nước sản xuất đã được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cơ sở đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất thuốc trong thời gian tới để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 21.000 lọ thuốc tiêm chứa hoạt chất phenobarbital chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, 21.000 lọ thuốc tiêm phenobarbital đã được nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở có nhu cầu.
Cục Quản lý Dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.
Thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận hơn 100.200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 23 ca tử vong. Tại một số địa phương, số ca mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng. So với cùng kỳ năm 2022, (52.296/3) số mắc tăng 91,6%.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng đạt đỉnh lần thứ nhất tại tuần 30 - 31 (cuối tháng 7, đầu tháng 8), tình hình bệnh giảm dần cho đến tuần 36 (đầu tháng 9) bắt đầu bắt đầu tăng trở lại và tăng mạnh liên tục cho đến nay. Tính đến tuần 40, số ca mắc đã vượt đỉnh thứ nhất của năm 2023 và vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ mắc mới trung bình của khu vực phía Nam là 229 ca/100.000 dân, số ca mắc tích lũy tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên về các trường hợp nặng và tử vong thì tại các tỉnh miền Tây lại chiếm tỷ lệ phần lớn (81%), bệnh nặng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi (77%), đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong trong khu vực phía Nam (TP. Hồ Chí Minh chưa có trường hợp tử vong). Tác nhân chủ yếu gây bệnh tay chân miệng năm nay là virus EV71.
Tâm An