Tưởng săn sale Temu lời to, hóa ra “lỗ đậm” vì phí này

02/05/2025 - 17:06
(Bankviet.com) Temu – nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng với mức giá siêu rẻ đang khiến người dùng Mỹ “vỡ mộng” khi bất ngờ làm một điều không ngờ.
Thương mại điện tử

Tưởng săn sale Temu lời to, hóa ra “lỗ đậm” vì phí này

Hạ Vy 02/05/2025 09:28

Temu – nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng với mức giá siêu rẻ đang khiến người dùng Mỹ “vỡ mộng” khi bất ngờ làm một điều không ngờ.

Nổi tiếng với chiến lược "phá giá thị trường", Temu – nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đang bành trướng toàn cầu – nay lại khiến chính khách hàng Mỹ phải lùi bước. Nguyên nhân: thuế nhập khẩu bất ngờ xuất hiện trên hóa đơn, đẩy giá trị đơn hàng tăng gấp đôi, thậm chí cao hơn cả giá trị món đồ.

temu.png
Đặt hàng Temu từ Mỹ: Cẩn thận cú "bẫy ngọt ngào" mang tên phí nhập khẩu

Theo NBC News, một đơn hàng gồm 3 chiếc quần đùi thể thao trị giá 23,61 USD trên Temu đã bị tính thêm 32,75 USD tiền thuế nhập khẩu, nâng tổng giá lên 56,36 USD. Một cú “phản đòn” khiến trải nghiệm “săn hàng rẻ” trở nên đắt đỏ bất ngờ.

Mua hàng sản xuất từ Trung Quốc: Rẻ là cái bẫy mới?

Khách hàng Mỹ nhanh chóng nhận ra một nghịch lý: hàng sản xuất và giao từ Mỹ thì không bị tính thuế nhập khẩu, còn hàng có nguồn gốc Trung Quốc – dù giá bán cực thấp – lại bị cộng thêm khoản thuế nhập khẩu đôi khi còn cao hơn cả sản phẩm.

Ví dụ: một máy xay sinh tố giao từ Mỹ có giá 34,19 USD không bị đánh thuế. Trong khi đó, một chiếc tương tự từ Trung Quốc có giá gốc 5,94 USD, nhưng bị cộng thêm 8,18 USD phí nhập khẩu, đẩy giá vượt sản phẩm nội địa.

Việc Temu điều chỉnh chính sách giá là hệ quả trực tiếp từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, được khơi mào từ nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Mức thuế nhập khẩu lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng trở nên không còn cạnh tranh.

Không chỉ Temu, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein cũng đang thông báo điều chỉnh giá từ ngày 25/4. Tuy nhiên, một số nền tảng như TikTok Shop hiện chưa bị ảnh hưởng, nhờ vào mô hình hoạt động linh hoạt và nguồn cung trong nước Mỹ.

Làn sóng bức xúc bùng lên trên mạng xã hội Mỹ. Một người dùng đăng ảnh giỏ hàng trên Temu trị giá 64 USD nhưng bị tính thêm gần 90 USD tiền thuế nhập khẩu. Một người khác bị tính 135 USD thuế cho đơn hàng chỉ 86 USD, kèm dòng trạng thái: "Tôi tưởng mình mua được hời, hóa ra là cú lừa có thuế!"

Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, niềm tin vào Temu đang lung lay, và câu chuyện “giá rẻ chỉ là lớp vỏ bên ngoài” có thể gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của nền tảng này tại thị trường Mỹ.

Liệu Temu có còn giữ được vị thế tại Mỹ?

Khi Temu mất đi lợi thế giá rẻ – yếu tố từng giúp nền tảng này leo lên top đầu các ứng dụng mua sắm ở Mỹ – thì điều gì sẽ còn giữ chân người tiêu dùng?

Rõ ràng, nếu không nhanh chóng đưa ra chính sách minh bạch hơn, Temu có thể đánh mất sự yêu thích của nhóm người dùng vốn cực kỳ nhạy cảm với giá – điều đã từng tạo nên sự bùng nổ của ứng dụng này.

Câu chuyện Temu tính thuế nhập khẩu cao chính là lời cảnh tỉnh cho xu hướng "mua hàng xuyên biên giới giá rẻ". Trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người tiêu dùng cần đọc kỹ hóa đơn, cân nhắc giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu để tránh rơi vào cái bẫy “mua rẻ hóa đắt”.

Hạ Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán