USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,01% xuống 98,485 ghi nhận lúc 06h50 (giờ Việt Nam).
Tỷ giá euro so với USD tăng 0,03% lên 1,1030. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% lên1,3266.
Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,32% lên 121,19.
Theo Reuters, tỷ giá USD giảm nhẹ sau khi động lực từ các bình luận về chính sách lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dần mờ nhạt và sự gia tăng trên thị trường chứng khoán giúp thúc đẩy tâm lý đầu tư rủi ro.
Vào đầu tuần, đồng bạc xanh đã chứng kiến mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ ngày 10/3 khi ông Powell ủng hộ việc nâng lãi suất hơn 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp chính sách sắp tới để đối phó với lạm phát. Chủ tịch Fed tại St. Louis, James Bullard, cũng đã lặp lại quan điểm này trên kênh truyền hình Bloomberg, trong khi Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly nhấn mạnh rủi ro chính đối với nền kinh tế hiện tại chính là vấn đề lạm phát vốn đã cao khi giá dầu leo thang bởi xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đánh giá 61,6% khả năng Fed sẽ tăng 50 điểm lãi suất cơ bản tại cuộc họp vào tháng 5.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang dần lấy lại tâm trạng chấp nhận rủi ro khi chứng khoán Mỹ tăng giá, phần nào làm giảm đi sự hấp dẫn của các loại tiền tệ an toàn như USD.
Joe Manimbo, Nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions tại Washington, nhận định mặc dù đồng bạc xanh đang có xu hướng tích cực trước triển vọng thắt chặt chính sách của Fed, tâm lý đầu tư rủi ro sẽ làm dịu đà tăng của tỷ giá USD.
Ở một diễn biến khác, đồng yen Nhật tiếp tục suy yếu so với USD do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách kích thích kinh tế, trái ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ của đa số các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới
Đồng euro có dấu hiệu cải thiện sau khi sụt giảm mạnh so với USD trong tháng qua do xung đột ở Ukraine leo thang, dẫn đến việc tăng giá năng lượng. Thứ Hai (21/3), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết cơ quan này và Fed sẽ có định hướng không đồng bộ vì cuộc chiến ở Ukraine có những tác động rất khác nhau đối với nền kinh tế của hai khu vực.
Tuy nhiên, nhà hoạch định chính sách của ECB, Francois Villeroy de Galhau, cho rằng ECB cần phải nhìn xa hơn những biến động ngắn hạn về giá năng lượng và tập trung vào các xu hướng lạm phát cơ bản.
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 22/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm nhẹ ở mức: 23.143 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 22.735 đồng - 23.015 đồng VietinBank: 22.655 đồng - 23.095 đồng Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng trở lại ở mức: 24.663 đồng – 26.189 đồng. Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau: Vietcombank: 24.702 đồng - 25.826 đồng VietinBank: 24.347 đồng - 25.637 đồng |
Hoàng Quyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam