Chân dung “vua thép” Trần Đình Long |
Tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1961, quê ở Hải Dương. Ông hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) – một tập đoàn sản xuất, cung cấp thép lớn nhất của Việt Nam. Tập đoàn có trụ sở chính tại 66 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ông Long xuất thân từ một gia đình không có điều kiện, nhưng với khát khao làm giàu cùng trí thông minh sẵn có, ông bươn chải khắp nơi cả trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân.
Sau khi tốt nghiệp, tỷ phú Long khởi nghiệp với nghề buôn bán đồ cũ nhập khẩu từ Nga. Đến năm 1992, sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường đồ cũ, ông Long cùng bạn thân của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập nên Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng. Sự nghiệp của ông chính thức bắt đầu từ đây.
Dẫu vậy, bởi điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn của đôi bạn thân không có nhiều nên việc kinh doanh gặp vô vàn trắc trở. Thời điểm đó, Luật Doanh nghiệp ra đời nên quá trình đăng ký kinh doanh, chứng minh tài chính cho công ty rất nan giải.
Năm 1993, đôi bạn thân có chuyến xuất ngoại đầu tiên với mục đích tìm hiểu thị trường một cách bài bản. Đến năm 1994, nhận thấy thị trường nội thất nhập khẩu đang rất tiềm năng, ông Long quyết định thành lập công ty nội thất với nguồn hàng chủ yếu từ các nước bạn như Đài Loan, Malaysia, Singapore…
Năm 1996 có thể coi là một năm có tính chất quyết định đến sự “ra đời” của Thép Hòa Phát. Khi đó, Công ty Phụ tùng của ông Long cần mua ống thép về làm giáo nhưng phải nhập hàng từ Đài Loan với chi phí đắt đỏ, từ đó ý tưởng sản xuất thép theo dây chuyền đã nảy ra trong đầu ông.
Bên cạnh việc nhạy bén với thị trường, “cha đẻ” của Hòa Phát còn được biết đến là người có những chiến lược kinh doanh thận trọng, có tầm nhìn xa trông rộng. Những người đã từng hợp tác với ông Long đều nhận xét rằng “Nếu như người ta chơi cờ được 3 - 5 nước đã là cao nhân thì ông Long được ví như là người chơi cờ tính trước đến 20 nước”.
Năm 2000, đứa con tinh thần Công ty TNHH sắt thép Hòa Phát của tỷ phú Long ra đời. Lúc này, Hòa Phát đã có cho mình 1 số công ty liên kết. Đến năm 2001, ông Long đổi tên thành Công ty cổ phần thép Hòa Phát và bắt đầu hoạt động nhà máy cán thép đầu tiên với công suất 300.000 tấn/năm.
Sau 5 năm hoạt động, “ông trùm thép” Trần Đình Long đã mua lại 6 doanh nghiệp độc lập mang thương hiệu Hòa Phát và đổi tên Công ty lần 2 thành Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Lúc này, vốn điều lệ của Hòa Phát là 90 tỷ đồng, ông Long xây dựng thêm 1 nhà máy tại quê hương Hải Dương với mong muốn phát triển nhà máy thép hàng đầu Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất thép, từ năm 2016, ông Long thử sức đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp. “Đứa con thứ 2” là Công ty phát triển nông nghiệp Hòa Phát được thành lập với số vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Thép Hòa Phát nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn kể từ khi ông Trần Đình Long vượt lên trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Trước đó, “cha đẻ” VinGroup là ông Phạm Nhật Vượng giữ vị trí này.
Sau phiên giao dịch ngày 23/6, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã đạt 25.400 đồng/cp, tăng 2,2% sau 4 phiên tăng liên tiếp. Lúc này, cổ phiếu HPG “đạt đỉnh” mới trong vòng 1 năm, kéo tổng tài sản của Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long lên 38.514 tỷ đồng, tương đương 1.516 triệu cổ phiếu.
Được biết, ông Long từng được công nhận là tỷ phú đô la từ năm 2018 bởi Forbes khi nắm giữ khối tài sản 1,3 tỷ USD. Năm 2022, con số này đã tăng lên 2,2 tỷ USD.
Hòa Phát đang nắm ngôi đầu của ngành thép Việt Nam |
Từ năm 2017, Hòa Phát đã vươn lên ngôi vị đầu của ngành thép Việt Nam với sản lượng tiêu thụ “khủng” không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2016-2021, Thép Hòa Phát liên tục đón nhận “tin vui”, thu về lợi nhuận kỷ lục. Đặc biệt trong năm 2018, doanh thu tăng gấp 10 lần so với doanh thu từ khi mới thành lập Công ty, nâng tổng mức doanh thu lên 47.000 tỷ đồng.
Năm 2022, “sóng gió” của ngành thép ập đến, Hòa Phát cũng không ngoại lệ. Thời điểm đó, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cùng với nhu cầu thép sụt giảm đã kéo theo lượng sản xuất thép thô cũng như lượng thép thành phẩm các loại liên tục “trượt dốc”.
“Chồng chất” khó khăn, trong báo cáo tài chính quý II/2023 mà Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát mới công bố gần đây, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 1.448 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với quý II/2022.
Lý giải về nguyên nhân doanh thu sụt giảm, Tập đoàn Hòa Phát cho biết do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước còn yếu, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên sản lượng thép cũng giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận sau thuế giảm tới 85% so với 6 tháng đầu năm 2022, về mức 1.830 tỷ đồng, đạt 23% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo SSI, dự phóng năm 2023 giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Sau khi giảm 2-4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ.
Mặc dù vậy, SSI nhận định rằng xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023 vì nhu cầu toàn thế giới còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu thấp và mức dư cung lớn ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.
Tuy nhiên, gác lại những khó khăn chung của nền kinh tế, so với các doanh nghiệp thép khác thì Hòa Phát vẫn chiếm ngôi vị số một về doanh thu cũng như lợi nhuận, xứng danh “ông vua ngành thép” Việt Nam.
Ngọc Bích