Năm 2024: Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 11,5 - 12% Sản xuất công nghiệp- nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng năm 2024 |
Chuyên gia Kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus - Ảnh: VGP/Quang Thương |
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, ông Jonathan Pincus cho biết, xuất khẩu vẫn là động lực chính của kinh tế Việt Nam trong năm tới.
Theo ông Jonathan Pincus, thời gian gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến hoạt động sản xuất ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn và thiết bị máy tính. Đây là những dấu hiệu rất tích cực.
"Khi những khoản đầu tư đó được triển khai, tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên ít nhất 6% trong năm tới", ông Jonathan Pincus chia sẻ.
Đánh giá về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc vượt qua những khó khăn kinh tế trong năm 2023, ông Jonathan Pincus cho rằng, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, hiệu quả.
Trước hết, giá cả hầu như ổn định theo đúng mục tiêu đề ra trong phần lớn thời gian của năm. Đây là một thành tựu lớn vì nhiều quốc gia đã phải đối mặt với lạm phát tăng nhanh, gây mất ổn định. Nhưng Việt Nam đã duy trì được sự ổn định về giá cả, điều này khá quan trọng.
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022. Điều này giúp hỗ trợ nhu cầu trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng mà Việt Nam cần để phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm tới và năm 2025.
Việt Nam cũng duy trì tỉ giá hối đoái khá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại trong cả năm và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết và giải ngân đều ở mức cao. Đây là thành công lớn từ phía Chính phủ trong năm vừa qua, chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP nhấn mạnh.
Đề cập tới nguyên nhân chính khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng như đề ra, ông Jonathan Pincus nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 94% GDP, cao hơn đáng kể so với Malaysia (khoảng 75%) và Thái Lan (khoảng 65%). Như vậy, so với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Trong khi đó, thương mại toàn cầu tăng trưởng khá chậm vào năm 2023, chưa đến 1%. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, thực trạng lãi suất cao đã làm chậm tăng trưởng, người tiêu dùng thiếu niềm tin vào thị trường, dẫn đến tình trạng tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam ít hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc là những nước láng giềng, nền kinh tế hai nước liên quan mật thiết. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay không được như kỳ vọng cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Việt Nam.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua là rất đáng trân trọng và vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một số mặt hàng vẫn giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu, ví dụ như điện tử, máy tính và linh kiện", chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP chia sẻ.
Theo ông Jonathan Pincus, thách thức chính từ nền kinh tế trong nước trong năm 2024 xoay quanh thị trường bất động sản và lĩnh vực tài chính.
Phát triển bất động sản đóng vai trò rất quan trọng vì đây không chỉ đơn thuần là xây dựng nhà cửa mà còn liên quan tới ngành công nghiệp xi măng, thép, đồ nội thất và tất cả các loại dịch vụ khác. Dịch vụ doanh nghiệp và dịch vụ ngân hàng đều liên quan đến bất động sản, chiếm ít nhất 10% GDP.
Hiện nay tại Việt Nam, các công ty bất động sản gặp khó khăn về tài chính chủ yếu do nhu cầu về bất động sản gần như "bốc hơi" vào năm 2023, phần lớn là do hậu quả của đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp này cần bán tài sản để trả nợ và điều đó tác động rộng hơn đến nền kinh tế.
Do vậy, Việt Nam cần khôi phục thị trường bất động sản trong năm 2024 thông qua các biện pháp như cắt giảm lãi suất và tăng thanh khoản trong lĩnh vực tài chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể nghiên cứu triển khai các biện pháp mà các quốc gia khác đã áp dụng khá hiệu quả để kích thích nhu cầu vay mua nhà. Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển các khu vực ngoại ô xung quanh các thành phố lớn, giúp các nhà phát triển bất động sản có thể cung cấp nhà ở với giá cả phải chăng tại những khu vực đó.
Ông Jonathan Pincus cho rằng, việc thúc đẩy hồi phục thị trường bất động sản nên là ưu tiên quan trọng của Chính phủ trong năm tới, cho dù đó là thông qua đầu tư công, nâng cấp cơ sở hạ tầng hay thông qua một số can thiệp vào thị trường tài chính.
Nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024, chuyên gia Kinh tế trưởng của UNDP cho biết, theo hầu hết các dự báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại so với hiện tại do sự thiếu niềm tin ở các nước phát triển.
Ngoài ra, lạm phát dự kiến giảm từ 7,5% vào năm 2023 xuống còn 5,5% tại các quốc gia thành viên OECD trong năm 2024, nhưng con số này vẫn khá cao, do đó, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không vội cắt giảm lãi suất nhanh chóng.
Mặt khác, khi lạm phát giảm, một số ngân hàng trung ương sẽ có thể giảm lãi suất và điều đó sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhìn vào mặt tích cực, hầu hết các dự báo kinh tế đều kỳ vọng thương mại toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2024. Vì vậy, nếu như mức tăng trưởng thương mại thế giới dự kiến đạt 2,5-3% vào năm tới thì đây là một yếu tố tích cực cho Việt Nam.
baochinhphu.vn