Ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng: Cấp thiết và phải bắt đầu từ cấp cao nhất

25/04/2024 - 00:12
(Bankviet.com) Điện toán đám mây là một nhu cầu thiết yếu trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ hạ tầng vật chất lên điện toán đám mây sẽ không chỉ là việc của đội ngũ công nghệ thông tin mà phải bắt đầu từ cấp cao nhất.
dien-toan-dam-may-nganh-nh.jpg

Đó là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế về ứng dụng điện toán đám mây trong ngành Ngân hàng tại sự kiện “Chuỗi đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2024” diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/4.

Điện toán đám mây - Giải pháp cấp thiết để chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Nói về vai trò của điện toán đám mây, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) nhận định, đây là một phần rất quan trọng trong chuyển đổi số. Riêng với ngành Ngân hàng, điện toán đám mây có rất nhiều lợi ích như đảm bảo tính linh hoạt, trong đó, giá trị lớn nhất là có thể lưu trữ không giới hạn với tốc độ mở rộng hay thu hẹp nhanh tùy nhu cầu sử dụng.

Mặt khác, ứng dụng điện toán đám mây cũng giúp ngành Ngân hàng tối ưu hóa được sự đầu tư nguồn tiền. Đồng thời, giúp các tổ chức tín dụng có thể ứng dụng giải pháp hay đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng, đáp ứng tối đa nhu cầu kinh doanh.

Cùng với đó, hành trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng cũng gồm rất nhiều sản phẩm như AI, Machine learning, hạ tầng, giải pháp đảm bảo an ninh… Nếu muốn mở rộng những khía cạnh này cần có điện toán đám mây đầu tiên.

Một cách trực quan hơn, ông Lê An Tú Trường, Giám đốc công nghệ thông tin Toyota Finance – một trong những công ty tài chính tiên phong trong ứng dụng điện toán đám mây cho biết, có rất nhiều lợi ích mà Toyota Finance có được khi sử dụng điện toán đám mây, trong đó có 3 lợi ích chính, gồm: tiết kiệm chi phí cho hoạt động DPA (hợp đồng ràng buộc pháp lý nêu rõ các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân); mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dễ dàng; vừa đảm bảo bảo mật, an ninh thông tin vừa tiết kiệm chi phí trong dài hạn.

“Với cơ sở dữ liệu như một dịch vụ, chúng ta có thể loại bỏ hoạt động DPA. Điều đó giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều cho hoạt động DPA. Điện toán đám mây cũng rất linh hoạt với các bộ nhớ, hệ điều hành khác nhau, điều đó giúp mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dễ dàng. Đồng thời, khi sử dụng cơ sở dữ liệu như một dịch vụ, để đảm bảo an ninh và bảo mật chúng ta phải tiếp cận nhà cung cấp điện toán đám mây, từ đó, giúp tập trung vào hoạt động lõi như giám sát, quản lý… Điều này sẽ giúp vừa đảm bảo bảo mật, an ninh thông tin, vừa tiết kiệm chi phí trong dài hạn”, đại diện Toyota Finance nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Thái Anh, Giám đốc cao cấp về ứng dụng và hạ tầng Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng cho rằng, việc ứng dụng điện toán đám mây sẽ mang lại cơ hội thu hút khách hàng, cải thiện sự hài lòng và tạo dựng niềm tin với khách hàng để vượt qua những thách thức. Điện toán đám mây cũng hỗ trợ thúc đẩy sự linh hoạt cho ngành Ngân hàng và thúc đẩy trung tâm vận hành chất lượng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên thì cũng có một số thách thức khi ứng dụng điện toán đám mây vào ngành Ngân hàng. Theo ông Vũ Thái Anh, quan ngại của Ngân hàng khi áp dụng điện toán đám mây là lựa chọn tích hợp, dịch chuyển hay di chuyển sang điện toán đám mây vì tính tương thích và hài hòa giữa 2 nền tảng chính.

“Điều đáng mừng là các nhà cung cấp điện toán đám mây đang phát triển mạnh mẽ và việc khai thác tính năng về công nghệ, quy mô để mang lại lợi thế tốt hơn là những lợi thế của họ. Điều đó sẽ giúp các ngân hàng có thể tin tưởng khi triển khai", ông Vũ Thái nhận định.

Cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo

Để phát huy lợi ích và hạn chế rào cản của điện toán đám mây, bà Olena Khlon - Tổng Giám đốc SHB Finance cho rằng, triển khai chiến lược về điện toán đám mây không thể chỉ là đội ngũ công nghệ thông tin mà bắt buộc phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Cùng với đó, tất cả cán bộ nhân viên đến từ mọi vị trí đều phải hiểu rõ hiện trạng triển khai.

“Hành trình chuyển đổi số sẽ cần thử nghiệm và áp dụng nhiều công nghệ hơn chứ không chỉ riêng điện toán đám mây. Do vậy, tất cả nhân viên trong tổ chức cần phải luôn linh hoạt để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh công nghệ thông tin đang thay đổi từng giờ”, đại diện SHB Finance chia sẻ.

Đồng tình với bà Olena Khlon, ông Nguyễn Xuân Trường cũng khẳng định hành trình chuyển đổi sang ngân hàng số của Kienlong Bank là bắt đầu từ ban lãnh đạo.

“Điều đáng trân trọng nhất là Ban quản trị của Kienlong Bank luôn rất cởi mở với công nghệ mới. Vì vậy, đội ngũ triển khai luôn được trao quyền, được thử nghiệm những công nghệ cao cấp từ các đối tác hàng đầu thế giới về công nghệ như AWS, Microsoft,... Chiến lược của chúng tôi được triển khai trong nền tảng đa đám mây vì đây là công nghệ đa cốt lõi. Và để đảm bảo năng lực triển khai, kiểm soát các công nghệ mà mình sử dụng, Kiên Long Bank cũng rất đề cao việc cập nhật kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nhân viên”, ông Nguyễn Xuân Trường cho hay.

Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Giám đốc Công nghệ & Vận hành Standard Chartered Việt Nam cho rằng, chiến lược áp dụng điện toán đám mây phải được đặt trong chiến lược chung của toàn bộ tổ chức, phải kết nối với hành trình chuyển đổi và tầm nhìn của tổ chức.

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quản trị, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh khẳng định đây là khía cạnh quan trọng để đảm bảo tiếp cận chiến lược điện toán đám mây một cách bền vững. Khi quyết định đầu tư vào điện toán đám mây, Standard Chartered đã xây dựng có hệ thống quản trị phù hợp, đảm bảo triển khai công nghệ điện toán đám mây một cách hài hòa với sự chuyển đổi tại doanh nghiệp.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ