Tham dự hội thảo có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); ông Sanjay Dhawan, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Symphony AI; ông Tuck Chan, Tổng Giám đốc Lucid Groupe; ông Craig Robertson, Chuyên gia phòng, chống tội phạm tài chính – APAC; bà Ngô Tố Anh, Giám đốc điều hành Lucid Groupe; Đại diện KPMG Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo Ban/đơn vị thuộc VNBA và đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, đây là lần thứ 2 VNBA phối hợp cùng Công ty LUCID tổ chức hội thảo về phòng chống tội phạm tài chính/tội phạm rửa tiền - chủ đề đang được các TCTD đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Luật Các TCTD và Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, kèm theo đó là Nghị định Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... được ban hành và yêu cầu triển khai phòng, chống rửa tiền rất quyết liệt.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm ứng dụng, tạo ra những tiện ích và thuận lợi, đem đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình hình tội phạm tài chính/tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến nguy cơ các TCTD bị lợi dụng.
Trước bối cảnh đó, VNBA đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo liên quan đến phòng, chống rửa tiền nhằm trao đổi, thảo luận và từ những thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, cũng như kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của quốc tế, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền sao cho phù hợp nhất, đảm bảo các TCTD có thể triển khai hiệu quả, không vướng mắc.
Thực tế cho thấy, công nghệ số ngày càng phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng ảnh hưởng rất đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đây là nội dung hết sức mới mẻ, phù hợp thực tiễn.
"Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà quản lý, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình tội phạm tài chính cũng như những xu thế, giải pháp công nghệ mới nhất để ngăn ngừa và phát hiện tội phạm tài chính/tội phạm rửa tiền xảy ra trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng", ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Với kinh nghiệm và thực tiễn triển khai tại các nước tiên tiến trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, ông Nguyễn Quốc Hùng hy vọng rằng, các chuyên gia đến từ Symphony AI và KPMG sẽ chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai để các TCTD Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét ứng dụng trong thực tế. Để từ đó xây dựng phương án phòng chống rửa tiền hiệu quả nhất.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN, đã chia sẻ về các xu hướng/mô hình tội phạm rửa tiền; các quy định liên quan tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn, cũng như khó khăn, thách thứ, trong quá trình triển khai.
Theo bà Thơ, phương thức, thủ đoạn rửa tiền hiện nay có xu hướng theo ngành và sản phẩm, bao gồm: Ngân hàng, trung gian thanh toán, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh bất động sản, kế toán/luật sư/công chứng,... Tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền xuất phát từ các hoạt động như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; trốn thuế; mua bán người; buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; đánh bạc/tổ chức đánh bạc...
Trước bối cảnh tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, bà Thơ cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan, trong đó nêu rõ hệ thống quy định về rửa tiền và tài trợ khủng bố, đối tượng báo cáo bổ sung là trung gian thanh toán và các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ và dấu hiệu đáng ngờ cơ bản.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai luật còn tồn tại những khó khăn, thách thức liên quan đến quy định pháp lý, chế tài xử lý, cũng như và việc tổ chức triển khai còn nhiều hạn chế. Do đó, bà Thơ cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tuân thủ nghiêm quy định về Luật Phòng, chống rửa tiền, cải thiện khoảng trống trong khâu tổ chức triển khai; đồng thời tăng cường nguồn lực và nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của phòng chống rửa tiền.
Đồng tình với những quan điểm từ đại diện VNBA và NHNN, ông Sanjay Dhawan - CEO của Symphony AI, cũng nhận định, phòng chống rửa tiền là chủ đề quan trọng do những yêu cầu về chính sách pháp luật tuân thủ và quản lý rủi ro. Đây cũng là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam khi là nước phát triển nhanh với chỉ số AML đứng đầu rủi ro về phòng chống rửa tiền.
Chuyên gia Symphony AI cho rằng, Việt Nam cần mở rộng điều luật, yêu cầu thắt chặt hơn báo cáo giám sát và hoạt động tài chính để sàng lọc, cũng như cập nhật hệ thống ngân hàng và cam kết ngăn chặn tội phạm tài chính.
Bên cạnh đó, việc vận hành AI là rất cần thiết để ngăn chặn tội phạm tài chính cũng như đưa ra khuôn khổ, giải pháp và phát hiện cảnh báo giả. Đây là công cụ xác định hành vi đáng ngờ hết sức hiệu quả do tập trung vào rủi ro thực tế và đưa ra giải pháp cụ thể.
Ngoài ra, ông Sanjay Dhawan nhấn mạnh vai trò quan trọng của AI dự đoán, AI tạo sinh hay Chat GPT trong hoạt động hằng ngày. Ứng dụng AI kết hợp với con người có thể phát triển hệ thống theo quy mô, giải quyết khoảng trống trong hệ thống, chi phí hiệu quả và có thể lan tỏa trong nhiều ngành nghề. Đồng thời, các TCTD cần xây dựng hệ thống đủ mạnh để ngăn ngừa tội phạm rửa tiền toàn quốc, đẩy nhanh AI theo hướng giảm thiểu rủi ro, tăng cường nguồn lực, tối ưu cho ngành, lồng ghép AI trong ngăn chặn tội phạm rửa tiền nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Còn theo bà Trương Quỳnh Hoa, Giám đốc bộ phận Tư vấn rủi ro, KPMG Việt Nam, việc ứng dụng AI trong phòng chống tội phạm tài chính là một lộ trình dài, đòi hỏi cần có chiến lược, cơ cấu tổ chức hợp lý và quản lý rủi ro hiệu quả nhằm ngăn ngừa tội phạm tài chính. Để thực hiện được điều đó, các TCTD cần có giải pháp phân loại rủi ro chính xác, từ đó có thể xác định và đầu tư vào những rủi ro cao.
Do tình trạng dữ liệu tại các tổ chức Việt Nam còn thiếu thông tin, data chưa đầy đủ, bà Hoa khuyến nghị thực hiện lộ trình song song với giải pháp công nghệ. Điều này có thể mang lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm thời gian triển khai để hoàn thiện lộ trình dữ liệu trong phòng chống tội phạm tài chính. Đồng thời, cần nâng cao năng lực nhân sự tham dự cũng như nhận thức, tinh thần cảnh giác của các bộ phận làm việc trực tiếp với khách hàng; ứng dụng công nghệ AI để nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong phòng chống tội phạm tài chính.
Minh Ngọc