Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

13/08/2024 - 18:13
(Bankviet.com) Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân Hành trình triệt phá tổ chức tội phạm quốc tế, bắt giữ 155 đối tượng tại đặc khu Tam giác vàng Bắt 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người đưa sang Tam Giác Vàng

Mở rộng hơn một số nội dung so với pháp luật hiện hành

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về khái niệm “Mua bán người” (khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật), có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị rà soát, nội luật hóa đầy đủ hơn các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến cho rằng khái niệm mua bán người cần phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, các văn bản hướng dẫn và tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người (PCMBN), bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế về PCMBN mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, khái niệm mua bán người đã kết hợp đủ 03 yếu tố (hành vi, mục đích, thủ đoạn). Đặc biệt, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với pháp luật hiện hành, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là hành vi mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi.

Quy định này cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Cùng với việc mở rộng khái niệm mua bán người thì các biện pháp xử lý khác cũng sẽ được xem xét áp dụng bên cạnh biện pháp xử lý hình sự; điều này sẽ góp phần cho việc đấu tranh PCMBN hiệu quả hơn.

Đồng thời, để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: Bổ sung mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác.

Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy vẫn còn có nội dung của khái niệm mua bán người chưa thực sự thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Nuôi con nuôi và bảo đảm phù hợp với thực tế, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” vào sau cụm từ “lợi ích vật chất khác” vào đoạn 2 khoản 1 Điều 2; đồng thời chỉnh sửa một số từ, cụm từ trong khái niệm “mua bán người” để bảo đảm tính lô gic và kỹ thuật văn bản và đã được thể hiện cụ thể như trong dự thảo Luật.

Về khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 6 và khoản 7 Điều 2 của dự thảo Luật), một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc, quy định nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người mà không chỉ là đối tượng bị xâm hại bởi hành vi mua bán người để phù hợp với Công ước Asean về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nếu quy định theo hướng nạn nhân là bất kỳ người nào là đối tượng của hành vi mua bán người thì sẽ rất khó chứng minh trên thực tế, không bảo đảm tính khả thi. "Vì vậy, việc xác định nạn nhân cần phải dựa trên tiêu chí cụ thể, như bị xâm hại bởi hành vi mua bán người và được cơ quan có thẩm quyền xác định" - bà Lê Thị Nga nói.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rộng hơn so với yêu cầu của các điều ước quốc tế trong việc hỗ trợ cả người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Do đó, đề nghị cho giữ như trong dự thảo Luật.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị trường hợp người bị mua bán có sự đồng thuận để người khác mua bán mình thì không coi là nạn nhân của mua bán người.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.

Còn trường hợp mua bán người trên 18 tuổi mà có sự đồng thuận thì Luật này không coi là mua bán người, do yếu tố thủ đoạn (dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt) là yếu tố bắt buộc trong hành vi mua bán người. Do có sự thay đổi về khái niệm nạn nhân nên dự thảo Luật đã được bổ sung 1 điều (Điều 66) quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp này.

Nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai

Bà Lê Thị Nga cũng cho hay, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định trẻ em được sinh ra bởi nạn nhân bị mua bán cũng là nạn nhân. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trên thực tế nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn trong bào thai.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo Luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.

Ngoài ra, để bảo đảm tính lô gic và chặt chẽ, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý lại nội dung khoản 6, khoản 7 Điều 2 như trong dự thảo Luật.

Về hành vi mua bán bào thai, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

"Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 3 của dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 38 của dự thảo Luật), có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng đầy đủ chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trên thực tế, nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thường là con của người phụ nữ bị mua bán.

Vì vậy, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo đảm quyền lợi tốt nhất dành cho trẻ em, Điều 38 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân, trừ hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Các chế độ hỗ trợ khác dành cho trẻ em (nếu có) thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Có ý kiến ĐBQH cho rằng người đang trong quá trình xác định là nạn nhân đang ở trong nước và ở nước ngoài cần phải có các chế độ hỗ trợ khác nhau vì trong một số trường hợp, ngân sách Nhà nước không bảo đảm được việc hỗ trợ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 38 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài thì được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế và chi phí phiên dịch. Sau khi những người này được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước tiếp nhận và xác minh thì họ sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ khác như người đang trong quá trình xác định là nạn nhân ở trong nước.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương