Sáng ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10. Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại diện các cơ quan đã cho ý kiến và đưa ra các giải pháp đồng bộ để phòng chống tội phạm gia tăng.
Đánh giá về công công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 về cơ bản đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp.
Báo cáo đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023; đã đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2024 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng của công tác này… Báo cáo cũng thống kê được cụ thể nhiều loại tội phạm, báo cáo cụ thể được kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra năm 2022 và các năm trước, đặc biệt là Báo cáo chuyên đề về tạm đình chỉ điều tra.
Bên cạnh những mặt đạt được, một số nội dung báo cáo còn chưa đầy đủ theo yêu cầu đề cương như: Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của cơ quan điều tra... Ngoài ra, với một số số liệu các năm trước đã được giải mật, năm nay Chính phủ lại gửi Phụ lục báo cáo dưới dạng tài liệu “Mật", đã gây khó khăn cho công tác thẩm tra.
Từ thực trạng trên, thay mặt Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ cần sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong các báo cáo thẩm tra và tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội đã nêu.
Trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế, xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cần đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ đạo cơ quan điều tra tăng cường hơn nữa việc rà soát hồ sơ, nâng cao hơn nữa tỷ lệ giải quyết các vụ án, vụ việc đang bị tạm đình chỉ điều tra…
Phát biểu tại phiên họp, đa số đại biểu cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp phòng chống tội phạm gia tăng với các hình thức khác nhau. Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, tình hình tội phạm gia tăng trong năm 2023 có nguyên nhân, trong đó phải kể đến tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến tình trạng thất nghiệp trong bộ phận nhân dân cũng tăng theo.
Do đó, để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, đại biểu đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần siết chặt lại các biện pháp phòng chống tội phạm. Song song với đó là tăng cường thực hiện các giải pháp để giải quyết việc làm, giảm thiểu số người thất nghiệp hoặc gián đoạn công việc.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, trước thực trạng tội phạm gia tăng, đại biểu kiến nghị: Cần có những chế tài xử phạt và răn đe nghiêm khắc hơn cho từng loại tội phạm.
“Cần có sự đánh giá về Chương trình huy động người dân tham gia vào bảo vệ an ninh trật tự xã hội xem tính hiệu quả như thế nào, có cần điều chỉnh để công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường quy chế phối hợp giữa công an cấp xã với người dân trong phòng chống, phát hiện tội phạm; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật...”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Thị ủy thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị giải pháp.
Thanh Hải