Đối với thị trường bất động sản, năm 2023 cũng là năm kết thúc chính sách ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu tiên 0% mà gần đây các chủ đầu tư áp dụng để bán hàng |
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS (BHS Group), những biến động trên thị trường tài chính gần đây đã làm cho tâm lý của nhà đầu tư cũng như các chủ đầu tư bất động sản rơi vào trạng thái hoảng loạn như những nhà đầu tư chứng khoán.
“Vấn đề của thị trường hiện nay là tiền mặt, các chủ đầu tư càng lớn càng cần nhiều tiền mặt. Cũng giống như trong cơn bão, cây to sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Tuyển cho biết.
Tuy nhiên, dù thực hiện rất nhiều biện pháp kích cầu để thu tiền về nhưng không mấy chủ đầu tư thành công. Bởi lẽ, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán cũng như bất động sản thường bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng FOMO, khi thị trường lên phải mua bằng được nhưng khi rơi vào giai đoạn đi xuống thì lại muốn bảo toàn vốn, bán ra càng sớm càng tốt, dẫn tới tình trạng “downtrend”.
Cũng theo ông Tuyển, trong lúc nhà đầu tư đang hoảng loạn dù doanh nghiệp có bán rẻ sản phẩm cũng không có người mua. Thậm chí, nhà đầu tư còn có xu hướng chờ đợi cho giá xuống thấp hơn nữa mới mua.
Do đó, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng, trái phiếu đang gặp khó như hiện nay, nguồn tiền của doanh nghiệp đang phụ thuộc khá nhiều vào các nhà đầu tư nhưng khẩu vị rủi ro của mỗi người là khác nhau.
Cụ thể, có người muốn đầu tư ngắn hạn, người muốn dài hạn nhưng cũng có những người chỉ thích “lướt sóng”. Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, ở thời điểm này, câu chuyện đầu tư ngắn hạn gần như không thể bởi khó thanh khoản. Đầu tư dài hạn là xu hướng hợp lý lúc này.
“Nếu giả sử một số các chủ đầu tư nào đó đang có chung cư ở Hà Nội mà họ có chính sách chiết khấu, ưu đãi thì nên mua. Bởi vì nguồn cung ở thị trường như Hà Nội và TP.HCM rất ít, rất khan hiếm. Thêm nữa, cơ hội để các cây lớn "đổ xuống" như thế này không có nhiều, mười năm mới có một lần thì nhà đầu tư nên nắm bắt”, ông Tuyển nhận định.
Như vậy nhà đầu tư vừa có thể mua được “hàng” với giá “hời” mà doanh nghiệp cũng có thể thu về được lượng tiền mặt đáng kể nhằm phục vụ các kế hoạch kinh doanh. Theo các chuyên gia, việc sở hữu lượng tiền mặt dồi dào cũng giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu với thách thức, dễ dàng thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập.
Đáng chú ý, ông Tuyển cho rằng, từ giờ cho đến khoảng đầu năm sau nếu lãi suất không có gì thay đổi hoặc vẫn có xu hướng tăng sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đặc biệt, năm 2023 cũng là năm kết thúc chính sách ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất 2 năm đầu tiên 0% mà gần đây các chủ đầu tư áp dụng để bán hàng.
Từ năm 2023 trở đi, các nhà đầu tư nhỏ sẽ phải tự trả gốc và lãi cho khoản vay của mình bằng với lãi suất thả nổi của thị trường. Lúc đó, tâm lý mới bắt đầu xáo trộn hơn và thị trường cũng sẽ còn đón nhận thêm những thông tin xấu từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
"Bản chất thị trường có quy luật của nó. Và nếu tất cả mọi người cùng hoảng loạn thì cũng sẽ giống như tai nạn ở Itaewon, Hàn Quốc. Mọi người nên cố gắng tìm những giải pháp để tích lũy từ những công việc hiện tại. Nhà đầu tư nào còn tiền mặt thì rất tuyệt vời rồi, chắc chắn họ cũng sẽ không rơi vào trạng thái hoảng loạn. Còn đối với những người đang phải đầu tư bằng cách vay mượn thì thực sự rất khó để mà có lời khuyên nào. Nhưng rõ ràng, chúng ta càng cố muốn bán thì lại càng khó bán, càng khó thanh khoản và chỉ làm cho mọi thứ tệ hơn. Cần bình tĩnh, cố gắng kiếm tiền từ những nghiệp vụ khác để quay ngược trở lại nuôi lại sản phẩm đầu tư của mình", ông Tuyển khuyến nghị.
Nói về bức tranh nền kinh tế năm 2023, hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định rằng, đến cuối năm 2022 kinh tế Việt Nam đã thể hiện được sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng với tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp tăng cao, tạo động lực lớn cho năm 2023.
Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), sau những khó khăn đã phải trải qua, bước sang năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản suất kinh doanh.
“Năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021, đã minh chứng cho việc dù khó khăn nhưng tinh thần khởi nghiệp vẫn cao”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, ông Lộc cũng chỉ ra trong 11 tháng đầu năm đã có nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Theo đó, cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 7 doanh nghiệp rút lui. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, gây tổn thất cho nền kinh tế.
Nguyên nhân được cho là đến từ việc trong bối cảnh khó khăn những yếu kém của nội bộ doanh nghiệp bộc lộ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng đây cũng là bước đà tạo nên sự đổi mới, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại, khiến cho quá trình tài cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.
“Bức tranh kinh doanh tươi sáng của những tháng cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng sẽ có những biến đổi khó lường, buộc doanh nghiệp phải nâng cao nội lực để ứng phó, tăng cao năng lực cạnh tranh”, ông Lộc nhận định.
Đồng tình với quan điểm có thể vẫn có sóng gió trong năm 2023, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng trong giai đoạn hiện nay việc các doanh nghiệp cần làm là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn, quản trị được dòng tiền…
Tuệ Minh