Giá vàng thế giới tăng mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5/2024 khi nhà đầu tư trên thị trường vàng hài lòng với thông điệp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). FED khẳng định vẫn có định hướng hạ lãi suất cơ bản ngay khi FED cảm thấy đủ tự tin về việc kiềm chế lạm phát.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 1,3% và đóng cửa ở mức 2.314,99 USD/ounce. Chỉ số Bloomberg Dollar hạ nhẹ 0,2%.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 12% và trong tháng trước đã lập kỷ lục dù rằng thời điểm FED hạ lãi suất vẫn chưa rõ ràng. Diễn biến tăng mạnh của giá vàng trong hai tháng đầu năm có liên quan trực tiếp đến việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua mạnh, nhu cầu tăng cao tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới, từ Ukraine cho đến Trung Đông.
Dù FED nói đến việc gần đây chưa có gì thực sự đột phá trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát, tuy nhiên FED vẫn nói đến kịch bản hạ lãi suất trong tương lai, theo tuyên bố của Ủy ban thị trường mở thuộc FED (FOMC) công bố vào ngày thứ Tư (ngày 1/5) sau khi kết thúc cuộc họp bàn về chính sách kéo dài hai ngày.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp hai ngày, chủ tịch FED tuyên bố: “Chúng tôi đã khẳng định rằng hiện chưa thể biết thời điểm nào là phù hợp để giảm lãi suất liên bang mục tiêu cho đến khi chúng tôi thực sự tự tin rằng lạm phát đang diễn biến theo hướng 2%”. Chủ tịch FED đồng thời bác bỏ khả năng FED có thể sẽ nâng lãi suất đồng USD trong lần họp tới.
FED vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 5,25% đến 5,5%, mức lãi suất này được duy trì liên tục từ tháng 7/2023. Số liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng ở ngưỡng cao trong kinh tế Mỹ.
Nhận xét về tuyên bố của FED, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Công ty chứng khoán TD Securities – ông Bart Melek, nhận xét: “Rõ ràng tuyên bố của FED không nói đến việc thắt chặt chính sách. Điều này thuyết phục nhà đầu tư trên thị trường vàng rằng một vài lần hạ lãi suất là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Giám đốc nghiên cứu về thị trường thế giới của EverBank – ông Chris Gaffney cho rằng hiện tại có rất nhiều yếu tố có lợi cho vàng, trong đó có bất ổn về nền kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị cũng như sự không chắc chắn liên quan đến các cuộc bầu cử.
Giá vàng thế giới đã đạt mức cao kỷ lục 2.431,29 USD/ounce vào ngày 12/4 nhờ lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương cộng với nhu cầu từ các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, giá đã giảm hơn 5% trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông hạ nhiệt và kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất sớm trong năm nay đang mờ dần.
Giám đốc chiến lược của quỹ Abrdn – ông Robert Minter vẫn giữ quan điểm lạc quan về vàng trong tương lai. Minter cho rằng, chừng nào căng thẳng địa chính trị còn tiếp diễn và các chính sách kinh tế tiếp tục gây ra sự bất ổn, vàng sẽ tiếp tục đóng vai trò như nền tảng cho sự ổn định. Ông Minter khẳng định bất ổn về địa chính trị không chỉ thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng điều đó đang khiến đầu tư nước ngoài rời xa đồng USD.
Đăng Tuấn