Thị trường Trung Đông chỉ chiếm 1,3% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam Ngành tôm Việt Nam tìm giải pháp nâng sức cạnh tranh Australia là thị trường đơn lẻ lớn thứ năm về nhập khẩu tôm của Việt Nam Hàn Quốc đang đề xuất siết kiểm soát thủy sản nhập khẩu |
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có Công văn số 47/CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đồng kính gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về việc đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.
VASEP tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc |
Theo đó, VASEP đề nghị Hàn Quốc gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) để bảo vệ thị phần và lợi ích trong lâu dài của tôm Việt Nam tại thị trường này.
Từ góc độ pháp lý, đây là một cơ chế đã được dự kiến trong VKFTA với cam kết tại khoản 2 Điều 2.3 Chương 2 Văn kiện VKFTA (về quy trình tham vấn để xóa bỏ thuế quan sớm hơn cam kết hiện tại). Từ góc độ thực tiễn, khả năng đề nghị này được phía bạn ủng hộ là rất cao trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức lạm phát cao, giá thực phẩm tăng phi mã, Chính phủ bạn đã phải chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và dường như sẽ sẵn sàng xem xét các giải pháp khác giúp giảm giá thực phẩm nhập khẩu như tham vấn điều chỉnh thuế quan VKFTA.
Theo VASEP, Hiệp định VKFTA có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một trong các công cụ quan trọng giúp hai nước hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hợp tác thương mại song phương.
Thời gian qua, Hiệp định đã có tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong đó có thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng 62% từ 585 triệu USD năm 2015 lên 950 triệu USD năm 2022 và 786 triệu USD năm 2023.
Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện VKFTA. Theo lộ trình, gần hết các dòng hàng thủy sản có mức thuế về 0%. Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch tại Phụ lục 2A-1 về quản lý hạn ngạch thuế quan của Hàn Quốc tại Văn kiện VKFTA, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản (tương ứng với 7 mã HSK: 0306161090, 0306169090, 0306171090, 0306179090, 0306261000, 0306271000 và 1605219000) nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch (hiện là 15.000 tấn/năm).
Cụ thể, đối với nhóm này, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo VKFTA cho 15.000 tấn/năm (mức hạn ngạch áp dụng từ năm 2020 trở đi). Khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA mà phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.
Theo thống kê nhập khẩu của Hàn Quốc (kita.org), tổng khối lượng nhập khẩu của 7 dòng sản phẩm trên từ Việt Nam vào Hàn Quốc trong giai đoạn 2016 - 2023 dao động từ 22,5 - 36,3 nghìn tấn, tương ứng với mức vượt hạn ngạch miễn thuế từ 12,5 - 21,3 nghìn tấn/năm.
Cụ thể, năm 2022, khối lượng nhập khẩu tôm Việt Nam của 7 mã HSK vào Hàn Quốc là 36.265 tấn, vượt 21.265 tấn so với hạn ngạch miễn thuế; năm 2023 nhập khẩu 29.944 tấn, vượt 14.944 tấn.
Như vậy, với riêng sản phẩm tôm chủ lực này, trong giai đoạn 2016 - 2023, có từ 34 - 48% sản lượng tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc phải chịu mức thuế ngoài hạn ngạch là 20%.
Việc này khiến các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng ở Hàn Quốc, thay vào đó họ đang xem xét mua thêm tôm từ các quốc gia khác (như Peru) có Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc mà mức thuế nhập khẩu đã về 0% với lộ trình 5 - 7 năm theo FTA với Hàn Quốc. Điều này làm triệt tiêu toàn bộ các lợi thế về thuế quan từ VKFTA cho các sản phẩm tôm đông lạnh này của Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc.
Trong 3 năm gần đây, tính riêng mã HSK 0306171090, lượng nhập khẩu tôm Peru vào Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể trong khi năm 2023 lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm gần 6.000 tấn. Sự khác biệt này chủ yếu do FTA Peru - Hàn Quốc không quy định về hạn ngạch thuế quan như trong VKFTA.
Dưới tác động của FTA Peru - Hàn Quốc nay đã hoàn thành lộ trình loại bỏ thuế, nguy cơ tôm Việt Nam mất thị phần tại Hàn Quốc là có thể dự báo được nếu tôm Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu theo cơ chế hạn ngạch, với mức “thuế/chi phí thực tế” khoảng 20% trong so sánh với mức thuế ưu đãi không hạn ngạch 0% của tôm Peru, như hiện nay.
Xét trên bình diện toàn cầu, tôm Việt Nam đang rất khó cạnh tranh về sản lượng và giá với tôm Ấn Độ, Ecuador và Indonesia tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và EU. Với thị trường Hàn Quốc, nếu cơ chế hạn ngạch trong VKFTA không được dỡ bỏ, tôm Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ không có ưu thế nào trước tôm Peru.
Trong khi đó, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật nhất (năm 2024), thì toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0%. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.
VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao xem xét và khởi động việc đề nghị tham vấn với Hàn Quốc để gỡ bỏ hạn ngạch hiện tại đối tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc, để người tiêu dùng Hàn Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tôm Việt Nam với giá tốt hơn và đảm bảo sự công bằng cho tôm Việt Nam trong cạnh tranh với các nước khác.