Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kỳ vọng ngân hàng mẹ sẽ nới room tín dụng ở mức cao so với thị trường, khoảng 23%.
Theo VCBS, nhờ thu từ khoản bán vốn từ FE Credit trị giá gần 24.000 tỷ đồng năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank hợp nhất đang ở Top cao của thị trường, tạo điều kiện để được nới room tín dụng cao.
Bên cạnh đó, tập khách hàng cho vay của ngân hàng chủ yếu là khách hàng cá nhân Lower Mass chịu rủi ro cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó là đối tượng ưu tiên được hỗ trợ phục hồi giai đoạn hậu dịch bệnh.
VCBS cho rằng khi được nới room ở mức tốt, VPBank sẽ có tiềm năng mở rộng tín dụng cho phân khúc sản xuất và tiêu dùng, giúp cải thiện thu nhập từ lãi.
Dự báo kết quả kinh doanh 2022, VCBS cho rằng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt khoảng 22.982 tỷ đồng, tăng 65,34% so với cùng kỳ đã loại trừ thu nhập từ bán vốn FE Credit khoảng 24.000 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập từ bảo hiểm của VPBank kỳ vọng sẽ có triển vọng tốt từ năm 2022. VPBank và AIA ký kết thỏa thuận phân phối độc quyền bảo hiểm lần đầu vào năm 2017, với thời hạn 15 năm. Phí gia hạn cho thỏa thuận này là 5.500 tỷ đã được ghi nhận trong quý I/2022.
(Nguồn: VPB, VCBS)
Hơn nữa, VPBank cũng vừa mua lại công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES nhằm đem đến đầy đủ các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Ngoài ra, VPBank đã mua lại công ty chứng khoán ASC với vốn nắm giữ trên 97% và đổi tên thành công ty chứng khoán VPBank. Ban Lãnh đạo công ty chia sẻ tham vọng mục tiêu doanh thu 1.509 tỷ và lãi sau thuế 632 tỷ đồng. Nhóm phân tích dự phóng trong năm nay công ty chứng khoán này sẽ đem lại lợi nhuận trước thuế khoảng 50-60% kế hoạch đặt ra.
Về FE Credit, nhóm phân tích cho rằng FE Credit có triển vọng thu hồi nợ và cải thiện chất lượng cho vay khi năm 2022 được dự báo là năm phục hồi của sản xuất và tiêu dùng khi dịch bệnh dần qua đi.
Theo lãnh đạo FE Credit và ngân hàng, triển vọng thu hồi nợ xấu đã khả quan hơn nhiều từ cuối quý IV/2021. Do đó, lợi nhuận năm 2022 của FE Credit dự báo sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021.
(Nguồn: VCBS)
Nhóm phân tích cũng kỳ vọng SMBC hỗ trợ lãi suất vay vốn ngoại thấp hơn, nền tảng công nghệ tốt hơn khi SMBC là “ông lớn tài chính” tại Nhật Bản với tiềm lực tốt về vốn (vốn lớn, lãi suất tại Nhật Bản đang ở mức siêu thấp).
Vì vậy, FE Credit có thể nhận được sự hỗ trợ từ vốn giá thấp hơn, giúp NIM cải thiện dần về mức trước dịch.
Đối tác Nhật Bản vốn được biết đến là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong kinh doanh, kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho những chiến lược sắp tới của công ty về mặt số hóa, cải thiện tiện ích sản phẩm.
Bên cạnh đó, luật đầu tư sửa đổi quy định cấm hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê từ 1/1/2021 có thể ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của FE Credit.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam