Vì sao giới đầu tư lựa chọn Hà Nam để 'đón sóng' bất động sản?

31/07/2024 - 18:29
(Bankviet.com) Thị trường bất động sản Hà Nam có nhiều lợi thế và đang tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ so với các tỉnh vệ tinh Hà Nội.
Từ 1/8/2024: Nhiều chính sách mới về bất động sản sẽ có hiệu lựcĐất nền tăng nóng, nhà đầu tư có nên 'lướt sóng'?

“Điểm sáng” thị trường bất động sản vệ tinh Hà Nội

Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn dài trầm lắng vì chịu nhiều "cú sốc". Đáng chú ý, bên cạnh những thị trường bất động sản ở các tỉnh vệ tinh Hà Nội quen thuộc với nhà đầu tư như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên... đã sôi động trở lại, thì cũng có nhiều địa phương giàu tiềm năng đầu tư nay cũng tăng tốc trên "đường đua" đó, đơn cử như Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nam... Trong đó, điểm sáng thị trường ở Hà Nam đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Theo nhận định của bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực rất đáng chú ý. Hầu hết các dự án nhà ở mới mở bán đều đạt kết quả giao dịch tốt, với tỉ lệ trên 70% và giá căn hộ chung cư tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội liên tục tăng cao.

Đất nền tại một số khu vực nóng lên, trong khi một số nơi khác có dấu hiệu thổi nhiệt. Thị trường bất động sản công nghiệp ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp tiềm lực tham gia. Nhu cầu thuê đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tiếp tục tăng cao, góp phần làm tăng giá thuê đất. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn do thiếu nhân sự chủ chốt đủ quyền xem xét, phê duyệt các hồ sơ liên quan đến dự án. Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang nỗ lực đẩy nhanh việc thực thi bộ luật mới, dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2024, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường phát triển bền vững.

Vì sao giới đầu tư lựa chọn Hà Nam để 'đón sóng' bất động sản?
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Không nằm ngoài đường ray đó, Hà Nam đang trở thành điểm sáng trên bản đồ bất động sản Việt Nam với GRDP năm 2023 của tỉnh đứng thứ 5 tại khu vực Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc, với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 cao nhất khu vực và đứng thứ 4 toàn quốc. Tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 12.926 tỷ đồng, cao hơn nhiều tỉnh khác cộng lại. Đầu tư vào bất động sản Hà Nam đang thu hút sự quan tâm lớn, với nhiều dự án của các tập đoàn lớn như Sun Group, T&T, Bitexco. Thị trường bất động sản Hà Nam có giá cả cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 - 2/3 so với các tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Bắc Giang, nhưng vẫn duy trì sức hút đầu tư mạnh mẽ và tiềm năng phát triển vượt trội.

Nhận định về tiềm năng của thị trường bất động sản tại Hà Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, địa phương này đang trên đà phát triển mạnh mẽ với chiến lược quy hoạch toàn diện tập trung vào phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Theo ông Thiên, địa phương này đạt tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng phía nam Đồng bằng sông Hồng, nhưng chất lượng đô thị hiện tại còn hạn chế, với nhiều dự án quy mô trung bình tập trung ở thành phố Phủ Lý. Theo ông, để nâng cấp đô thị, Hà Nam cần thu hút các nhà đầu tư lớn và phát triển các dự án lớn hơn.

Sự phát triển của tỉnh sẽ không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tỷ lệ đô thị hóa mà còn tạo nên một môi trường sống và làm việc đẳng cấp, thu hút đầu tư và tạo động lực tăng trưởng bền vững trong tương lai”, ông Thiên nhận định.

Tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ cao và du lịch tâm linh

Đánh giá về sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản cũng như nhận định về xu hướng trong tương lai, ông Trần Ngọc Thủy - Trưởng Ban điều hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại Hà Nam cho biết, trước đây, nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến phân khúc đất nền, nhưng sự xuất hiện của các dự án cao cấp sẽ thu hút dòng tiền đầu tư vào các sản phẩm chất lượng hơn. Vì vậy, trong tương lai Hà Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ cao và du lịch tâm linh, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở và cơ hội phát triển bất động sản bền vững.

Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra một bài toán cần làm thế nào để định hướng thị trường phát triển đúng hướng, ổn định và bền vững. Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARSĐ cho rằng, so với các “vệ tinh” khác xung quanh Hà Nội, Hà Nam đang có phần chậm hơn trong quá trình phát triển. Để có thể theo kịp các địa phương khác, Hà Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, phát triển các dự án đẳng cấp cao và cải thiện dịch vụ để tận dụng lợi thế sẵn có như bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai, cũng như tiềm năng du lịch.

Vì sao giới đầu tư lựa chọn Hà Nam để 'đón sóng' bất động sản?
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án xứng tầm, tạo động lực tăng trưởng toàn vùng. Hà Nam tuy nằm trong vùng kinh tế thủ đô, thu hút thị trường từ Hà Nội và thuộc 4 giác kinh tế đang phát triển mạnh, là lợi thế lớn để thúc đẩy tăng trưởng song thị trường vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi sai lệch, đồng thời các nhà đầu tư cần có quyết định đúng đắn để thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Cùng quan điểm trên và đưa ra giải pháp để thị trường bất động sản Hà Nam phát triển mạnh mẽ, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, lãnh đạo địa phương cần có những quyết định và quy hoạch đột phá. Ông Thiên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển đô thị và dịch vụ để thu hút và giữ chân người tài và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có ý thức cùng với doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghệ cao.

"Sự phối hợp với các đơn vị liên quan trên cơ sở lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản Hà Nam", PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Ngọc Tiến

Theo: Báo Công Thương