Kế hoạch kinh doanh 2021 với lợi nhuận trước thuế trên 7.500 tỷ đồng
Một trong các nội dung đáng chú ý trong tài liệu này là Hội đồng Quản trị VIB sẽ trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh 2021. Cụ thể, tùy thuộc hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng nhà nước (NHNN) phê duyệt, VIB đặt mục tiêu đưa tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng lên 225.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Huy động vốn tăng trưởng tương đương tăng trưởng tín dụng, lên 235.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu trên 7.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 29% so với 2020, tập trung không chỉ vào mảng tín dụng truyền thống cho vay nhà và ô tô, mà còn tăng trưởng mạnh mẽ các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, mảng kinh doanh ngân hàng số.
Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE tiếp tục ở mức top đầu toàn ngành từ 28% - 30%.
Với việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basell II và ứng dụng quản trị rủi ro thanh khoản NSFR theo Basel III, VIB tiếp tục nghiên cứu và dự kiến triển khai thí điểm nhiều hạng mục của Basel III để đảm bảo sự phát triển bền vững, tiên phong trên thị trường trong việc quản trị rủi ro hiệu quả song hành cùng tăng trưởng chất lượng.
Phương án tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng và từ phát hành chào bán
Tuân thủ quy định của NHNN, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.
Dự kiến tại Đại hội Cổ đông lần này, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản trong năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.
4 năm chuyển đổi chiến lược với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu
VIB ghi dấu ấn trên thị trường là ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong 4 năm qua trên 50%, thuộc top đầu ngành với chất lượng tài sản tốt. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, đưa VIB trở thành một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất ngành với trên 95% dư nợ bán lẻ là dư nợ có tài sản đảm bảo. Nợ xấu vào cuối năm 2020 giảm dưới 1,5% trong bối cảnh không còn dư nợ tại VAMC.
Các sản phẩm chủ lực của VIB là cho vay mua ô tô, mua nhà ở, bảo hiểm bancassurance, thẻ tín dụng luôn chiếm vị thế dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. VIB liên tiếp nhiều năm nắm giữ thị phần số 1 thị trường tại hai mảng kinh doanh cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ. Thẻ tín dụng VIB tiếp tục khuấy động thị trường và góp phần tạo cú hích thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt trong năm qua, với các tính năng ưu việt lần đầu tiên được VIB đưa về và áp dụng thành công tại Việt Nam. Trong năm 2020, mảng thẻ tín dụng của VIB lập kỷ lục tại thị trường về tốc độ tăng trưởng số lượng thẻ và doanh số chi tiêu trên thẻ cao gấp 1,5 đến 2 lần so với trung bình ngành, đồng thời VIB đánh dấu kỷ lục mới tại Việt Nam về thời gian đăng ký và bắt đầu sử dụng thẻ chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường.
Tiên phong trong làn sóng chuyển đổi số với công nghệ hiện đại và tăng trưởng ấn tượng
Năm 2020, ngân hàng số MyVIB đã đạt mức tăng trưởng đột phá 300% về số lượng khách hàng đăng ký với số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110%. VIB trở thành ngân hàng nằm trong top các ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, 91% trong tổng số lượng giao dịch. Ứng dụng MyVIB của Ngân hàng đã bốn năm liên tiếp được tạp chí The Asset đánh giá là dịch vụ ngân hàng số xuất sắc nhất của năm và trải nghiệm khách hàng tốt nhất tại Việt Nam.
PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)