Viện lý do 15 tuổi, bên liên quan đòi hủy hợp đồng thế chấp

16/03/2022 - 20:51
(Bankviet.com) Người đứng tên trên sổ đỏ đã ký vào hợp đồng thế chấp hoàn toàn tự nguyện, theo đúng quy định pháp luật, nhưng người có liên quan lại đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu, buộc ngân hàng trả lại sổ đỏ và xóa thế chấp. Tuy nhiên, Tòa án đã bác yêu cầu này...

Năm 2011, Công ty Lộc Tài ký kết 2 hợp đồng tín dụng để vay vốn tại Ngân hàng V. với tổng hạn mức là 8,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là 4 bất động sản của bên thứ 3 đều ở trên địa bàn Hà Nội. Ngân hàng đã giải ngân đầy đủ cho Công ty Lộc Tài.

Ban đầu, công ty trả nợ một phần nhưng sau đó không trả nợ đúng hạn mặc dù vẫn hoạt động và phát sinh doanh thu. Từ khi phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã nhiều lần làm việc với công ty để đôn đốc trả nợ, đề xuất các biện pháp tháo gỡ tạo điều kiện cho công ty trả nợ nhưng công ty vẫn cố tình không trả nợ.

Do đó, ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty Lộc Tài trả nợ tiền gốc và tiền lãi là 26,3 tỷ đồng. Trường hợp công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng thì ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mại toàn bộ tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay để xử lý thu hồi nợ.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Đình L. Giám đốc Công ty TNHH Lộc Tài thừa nhận việc ký kết hợp đồng tín dụng và các tài sản thế chấp như trên, xcas nhận dư nợ gốc còn lại là 6,9 tỷ đồng. Đại diện Công ty Lộc Tài đề nghị Tòa án xem xét lại các khoản lãi theo mức lãi suất hai bên đã thỏa thuận. Công ty xin được được trả nợ dần số tiền gốc theo kế hoạch mỗi tháng trả 100 triệu đồng cho đến khi hết nợ và đề nghị ngân hàng miễn toàn bộ tiền lãi cho công ty. Về yêu cầu phát mại tài sản của ngân hàng thì Công ty TNHH Lộc Tài đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Đáng nói là quá trình giải quyết tại Tòa án, một trường hợp thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Lộc Tài đã đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Theo đó, vợ chồng ông Nguyễn Đình T., bà Nguyễn Thị H. thế chấp quyền sử dụng đất diện tích 59,1m2 tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Vợ chồng ông T. cho biết do có quan hệ họ hàng với ông Nguyễn Đình L. nên đồng ý cho Công ty mượn sổ đỏ của hộ gia đình để thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Vợ chồng ông T. đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho phía công ty trả nợ dần tiền gốc và miễn giảm tiền lãi cho phía bị đơn.

Anh Nguyễn Anh T., con trai vợ chồng Nguyễn Đình T. cho rằng việc ký hợp đồng thế chấp giữa bố mẹ anh và ngân hàng thì anh không được biết và không được tham gia ký kết hợp đồng. Anh Nguyễn Anh T. viện dẫn Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”. Việc thế chấp tài sản là nhà và quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn phải được đầy đủ những người đủ 15 tuổi trở lên trong hộ gia đình ký. Tính đến ngày ký hợp đồng thế chấp 19/10/2010, anh T. đã đủ 15 tuổi nhưng không được ký hợp đồng là vi phạm Điều 109 của Bộ luật Dân sự 2005.

Từ đó, anh Nguyễn Anh T. có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu do nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật và đề nghị ngân hàng trả lại gia đình anh T. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục xóa thế chấp cho gia đình.

Ở cấp sơ thẩm, Tòa án cho rằng diện tích đất thế chấp được UBND huyện Thạch Thất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đình T. và bà Nguyễn Thị H.; hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với vợ chồng ông Nguyễn Đình T. do các bên ký kết trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với pháp luật, đã đăng ký giao dịch bảo đảm nên phát sinh hiệu lực. Do đó, Tòa án bác yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Anh T.

Sau phiên tòa, anh Nguyễn Anh T. kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, anh T. vắng mặt do đó Tòa cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của anh T.

Tuy nhiên, Tòa án phúc thẩm tính lại lãi suất và xác định Công ty Lộc Tài có nghĩa vụ phải trả cho ngân hàng số tiền 16,5 tỷ đồng cả gốc và lãi. Trường hợp Công ty Lộc Tài không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ, ngân hàng được quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền kê biên, phát mại các tài sản thế chấp dưới đây để thu hồi nợ.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ