Việt Nam 'bật đèn xanh' cho sản phẩm da bò từ Brazil

30/03/2025 - 23:09
(Bankviet.com) Chính phủ Brazil đã nhận được thông báo chấp thuận Giấy chứng nhận y tế quốc tế có thẩm quyền xuất khẩu sản phẩm da bò từ Chính phủ Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Tổng thống? Infographic | Brazil là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Mỹ Latinh Brazil công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường Nguyễn Xuân Son: 'Cầu nối đặc biệt' giữa Việt Nam - Brazil

Biến động kinh tế, Brazil giảm loạt mục tiêu tăng trưởng

Thông tin tới Báo Công Thương về tình hình kinh tế Brazil trong 2 tháng đầu năm, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Chính sách Kinh tế thuộc Bộ Tài chính Brazil (SPE), nền kinh tế nước này tăng trưởng 0,3% từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 1/2025. Dự báo kết thúc năm 2025 tăng trưởng GDP đạt 2,3%. Theo Bộ này, việc điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2025 chủ yếu dựa trên diễn biến lãi suất tăng, hoạt động kinh tế chậm lại trong Quý IV/2024 và kịch bản kinh tế bên ngoài.

Đối với ngành công nghiệp, dự báo tăng trưởng năm 2025 được điều chỉnh từ 2,5% xuống 2,2% do ngành sản xuất và xây dựng dự kiến sẽ chậm lại, mặc dù ngành khai thác phục hồi, chủ yếu là do các giàn khoan dầu mới đi vào hoạt động.

Việt Nam 'bật đèn xanh' cho sản phẩm da bò từ Brazil
Dự báo kết thúc năm 2025 tăng trưởng GDP Brazil đạt 2,3%. Ảnh: Quang Trung

Đối với dịch vụ, tốc độ tăng trưởng dự báo đã giảm từ 2,1% xuống 1,9%, chủ yếu là do sự chậm lại trong việc tạo ra việc làm mới và việc giảm tỷ lệ ưu đãi tín dụng do mức lãi suất cao.

Đối với hoạt động nông nghiệp, dự báo tăng trưởng được duy trì ở mức 6%, có tính đến dự báo thu hoạch, dữ liệu giết mổ gia súc sơ bộ trong quý IV năm 2024 và sự cải thiện về tình hình khí hậu.

Dự báo kết thúc năm 2025 lạm phát đạt khoảng 4,8%, chủ yếu do tác động của tỷ giá hối đoái tuy nhiên nhờ những sản lượng thu hoạch cao từ nông nghiệp dự kiến lạm phát lương thực sẽ suy yếu. Giá thịt, gạo, đậu, thực phẩm tươi sống và các sản phẩm từ đậu nành có xu hướng giảm từ nay cho đến cuối năm. Mặt khác, giá lúa mì và các sản phẩm từ sữa có xu hướng tăng do ảnh hưởng bởi vụ thu hoạch thấp vào năm 2024”.

Về triển vọng tài khóa, chiến lược chính sách tài khóa năm 2025 của Chính phủ Brazil là tiếp tục quá trình tìm kiếm tính bền vững về tài khóa, tập trung vào việc đạt được mục tiêu kết quả chính, thực hiện các biện pháp tăng cường khuôn khổ tài khóa và củng cố các điều kiện để ổn định tăng trưởng nợ.

Brazil có khả năng không cung cấp đủ lương thực cho chính mình

Trong tương lại gần, khả năng Brazil không sản xuất đủ lương thực cho đất nước mình và thế giới hoàn toàn có thể xảy ra. Một trong những nguyên nhân là việc trồng trọt các loại nông sản - thực phẩm đang nhường chỗ cho đậu nành và ngô. Tổng diện tích trồng trọt ở Brazil đã tăng từ 65,4 triệu ha vào năm 2010 lên 96,3 triệu ha vào năm 2023 nhưng sự mở rộng này chủ yếu là do đậu nành và ngô. Nếu không có hai loại cây trồng này nhằm mục đích xuất khẩu, diện tích trồng trọt vẫn ổn định, đạt 29,1 triệu ha vào năm 2010 và 29,3 triệu ha vào năm 2023.

Sản lượng đậu bình quân đầu người ở Brazil đã giảm 20%; và gạo là 22% khi so sánh năm 2024 với năm 2012. Diện tích trồng lúa ở Brazil đã giảm từ 2,8 triệu ha vào năm 2010 còn 1,6 triệu ha vào năm 2024, điều này củng cố quan điểm cho rằng cây lương thực đang nhường chỗ cho cây trồng xuất khẩu, đặc biệt là đậu nành và ngô.

Sản lượng bình quân đầu người của hầu hết các loại trái cây chính ở Brazil đã giảm từ đầu thập kỷ trước. Trong trường hợp của chuối, mức giảm này là 10%; trong táo là 5,6%; ở cam, 20% (bị ảnh hưởng bởi bệnh xanh lá cây, một loại sâu bệnh); trong đu đủ, 40%; và trong quýt là 8%. Ngoại lệ duy nhất là nho, với mức tăng 9%.

Kim ngạch thương mại của Brazil với thế giới

Năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 320 đến 360 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt từ 260 đến 280 tỷ USD. Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil (MDIC) ước tính thặng dư thương mại đạt từ 60 đến 80 tỷ USD vào năm 2025.

Kim ngạch nhập khẩu của Brazil có thể có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế và giá hàng hóa. Hiện tại đang có dấu hiệu chững lại ngắn hạn do tác động của suy thoái kinh tế. Ở chiều ngược lại, sự phục hồi về giá và sản lượng đậu nành có thể thúc đẩy xuất khẩu.

5 đối tác hàng đầu về nhập khẩu của Brazil trong hai tháng đầu năm 2025 chiếm 54,09% tổng lượng nhập khẩu, dẫn đầu là Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ, Argentina, Đức và Nhật Bản.

Việt Nam “bật đèn xanh” cho sản phẩm da bò từ Brazil

Theo số liệu của Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil, năm 2025, cán cân thương mại giữa Brazil và Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư cho Brazil.

2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam đạt 733,7 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2024. Nhập khẩu của Brazil từ Việt Nam là 631,9 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2024. Cán cân thương mại đạt thặng dư 101,8 triệu USD. Việt Nam tiếp tục là điểm đến lớn thứ năm cho xuất khẩu nông sản của Brazil.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,436 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 388,56 tỷ USD, giảm 14,2%; nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này đạt 1,048 tỷ USD, giảm 1,5%.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil giảm đáng kể chủ yếu tới từ sụt giảm các mặt hàng sắt thép các loại (-73,8%), điện thoại các loại và linh kiện (-14,6%), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (-37,6), phương tiện vận tải và phụ tùng (-28%).

Các nhóm hàng này cũng là các nhóm hàng ghi nhận sụt giảm trong tổng cơ cấu nhập khẩu của Brazil. Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu phục vụ cho tiêu dùng trong nước mặc dù tỷ trọng kim ngạch còn nhỏ so với các nhóm hàng cơ khí và công nghiệp, tuy nhiên ghi nhận tăng trưởng tốt như hàng thủy sản (+36,8%), cao su (+56,48%), giày dép các loại (+49,2%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (+10,6%).

Sụt giảm trong kim ngạch nhập khẩu từ Brazil chủ yếu tới từ mặt hàng ngô (-25,5%), đậu tương (-100%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (-21%). Chỉ có mặt hàng bông nguyên liệu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt (+76,65%).

Với việc Argentina năm nay được mùa trở lại, việc sụt giảm nhập khẩu một số sản phẩm nông sản từ Brazil đã được dự báo trước, do các công ty của Argentina thường xuất khẩu với quy mô vừa phải và phù hợp với nhu cầu thị trường Việt Nam hơn là Brazil.

Việt Nam 'bật đèn xanh' cho sản phẩm da bò từ Brazil
Chính phủ Brazil đã nhận được thông báo chấp thuận Giấy chứng nhận y tế quốc tế có thẩm quyền xuất khẩu sản phẩm từ Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Khôi Nguyên

Theo một tuyên bố chung được đưa ra vào tháng 1/2025 của của Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại giao Brazil, Brazil có thể xuất khẩu da gia súc ướp muối sang Việt Nam.

Chính phủ Brazil đã nhận được thông báo chấp thuận Giấy chứng nhận y tế quốc tế có thẩm quyền xuất khẩu sản phẩm từ Chính phủ Việt Nam.

Các Bộ nhấn mạnh: “Việc mở cửa này sẽ củng cố thêm mối quan hệ thương mại với Việt Nam, điểm đến lớn thứ năm cho xuất khẩu nông sản của Brazil vào năm ngoái. Da bò muối được sử dụng trong ngành công nghiệp da thuộc của Việt Nam”.

Cũng theo các Bộ này, sản phẩm này “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguyên liệu thô chất lượng cao để sản xuất giày dép, đồ nội thất và phụ kiện, các ngành chiến lược cho nền kinh tế và xuất khẩu của quốc gia châu Á này”.

2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 1,436 tỷ USD, giảm % so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil đạt 388,56 tỷ USD, giảm 14,2%; nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này đạt 1,048 tỷ USD, giảm 1,5%.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương