Việt Nam đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Funan Techo

06/05/2024 - 13:57
(Bankviet.com) Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia và đề nghị các bên phối hợp chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động dự án kênh đào Funan Techo.
Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông Giáo sư Võ Tòng Xuân nói gì về kênh đào Funan Techo?

Ngày 5/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo.

Việt Nam đề nghị Campuchia chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Funan Techo
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng (Ảnh: Bảo Chi)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định truyền thống lịch sử quan hệ đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Campuchia là nhân tố hết sức quan trọng, là nguồn sức mạnh to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay.

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua.

Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Bà Phạm Thu Hằng bày tỏ: Chúng tôi mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.

Theo Khmer Times, dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia còn được gọi là Dự án Hệ thống Hậu cần và Đường bộ Giao thông Tonle Bassac.

Kênh đào dự kiến dài 180km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia.

Dự án nhằm tạo ra một tuyến đường thủy qua các khu vực trọng điểm như Kadal, Takeo và Kampot, tới bờ biển và quan trọng hơn là tới cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville.

Kênh đào đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1,6 triệu người sinh sống.

Kênh Funan Techo dự kiến rộng 100m ở thượng lưu và 80m ở hạ lưu, độ sâu 5,4m, tạo ra hai làn đường vận chuyển cho tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn.

Kênh Funan Techo dự kiến sẽ mất khoảng 4 năm để hoàn thành và sẽ có tổng chiều dài chỉ ngắn hơn 15km so với kênh đào Suez. Theo tài liệu được Campuchia gửi tới Ủy hội sông Mekong tháng 8/2023, kênh Funan Techo dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2028.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương