Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương

16/09/2023 - 02:04
(Bankviet.com) Với vị trí láng giềng gần gũi, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ lâu đời; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Hơn 30 doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư Ngày 8/9 diễn ra Tọa đàm hợp tác thương mại, đầu tư và khoa học, công nghệ Việt Nam - Thụy Sỹ Tăng cường hợp tác thương mại, dịch vụ Việt Nam – Thuỵ Điển thông qua Viet Nam International Sourcing 2023 và EVFTA

Với vị trí láng giềng gần gũi, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ lâu đời; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Hiện tại, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20, được tổ chức tại Trung Quốc tới đây được kỳ vọng mở ra cơ hội mới trong dòng chảy thương mại giữa hai quốc gia.

Thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 và biến động địa - chính trị trên thế giới đã tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu nhưng quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.
Thống kê cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, tăng 6,63%.
Tính đến hết tháng 7 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/6/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDIvào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.
Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Qua đó, hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Là một trong những tỉnh có lượng nông sản lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi hơn khi Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép tại tỉnh Bắc Giang nối với Bằng Tường đi vào hoạt động, mở ra hướng vận chuyển mới, nhằm giảm ách tắc hàng hóa tại biên giới, giảm thời gian thông quan.
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua, bên cạnh hợp tác cấp Nhà nước giữa Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với tỉnh Quảng Tây ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Tỉnh Bắc Giang xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống, quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Giang với Trung Quốc đạt hơn 18 tỷ USD. Riêng quả vải thiều, mỗi năm tỉnh cũng xuất khẩu từ 80 - 100 nghìn tấn. Đặc biệt, địa phương luôn nhất quán và xuyên suốt trong sản xuất vải thiều khi lấy chất lượng vượt trội của quả vải thiều và bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường rộng lớn này. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng.

Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương
Thanh long ruột đỏ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Nhận định từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, Trung Quốc có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam và là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại Việt Nam Trung Quốc, Hiệp địnhTthương mại tự do ASEAN –Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Như vậy, có thể khẳng định rằng, Việt Nam và Trung Quốc luôn ưu tiên trong chính sách thương mại.
Do đó, cần lưu ý Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Hơn nữa, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh. Đây là cơ hội, đồng thời gắn liền với thách thức mà doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để xuất khẩu sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu” và “xuất khẩu phải an toàn”, Bộ Công Thương khuyến cáo địa phương vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động theo dõi sát tình hình để điều tiết lượng hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa. Mặt khác, triển khai đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngoài ra, địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo nguyên tắc thương mại quốc tế nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
Để cung cấp thông tin chính thống đến doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường Trung Quốc, ngoài việc thường xuyên đưa ra khuyến cáo, Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một hợp phần trong Đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.
Tại buổi hội đàm mới đây với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá cao sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Bộ Thương mại Trung Quốc trong việc triển khai nội dung hợp tác kinh tế thương mại, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía bạn mở rộng quy mô thương mại song phương, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa. Mặt khác, thúc đẩy nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu trong năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi các nước thứ ba.
Đặc biệt, hai bên cần xây dựng kế hoạch hành động để triển khai bản ghi nhớ, xây dựng mạng lưới hậu cần kết nối chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu, khu công nghiệp nhà máy sản xuất đến cảng/cửa khẩu và trung tâm phân phối tại địa phương. Đáng lưu ý, thiết lập các trung tâm phân phối, logistics, tập kết hàng hóa tại những địa phương sản xuất, tiêu thụ của hai nước.
Nhất trí với đề xuất tạo thuận lợi thông quan cửa khẩu, mở rộng quy mô thương mại song phương, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết sẽ giao đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nội dung hợp tác liên quan.
Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng nêu một số nội dung phía Trung Quốc quan tâm như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, đề nghị phía Việt Nam ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng với Trung Quốc trong vấn đề đa phương và sẽ ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc uy tín, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đặc biệt, hai bên thống nhất trao đổi hợp tác trong khuôn khổ đa phương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam- Trung Quốc./.

bnews.vn

Theo: Báo Công Thương