Vietcombank bán vốn cho nhà đầu tư ngoại: Hé lộ danh tính đối tác và mức giá chào bán

04/07/2024 - 00:01
(Bankviet.com) 1 trong 3 "đại ngân hàng" của Nhật Bản sẽ tiếp tục rót khoảng 4.600 tỷ đồng vào Vietcombank, như lời khẳng định về mối quan hệ ngày càng khăng khít và bền chặt.
Chi tiết 6 điểm bán vàng miếng của Vietcombank Sự lớn mạnh của ngân hàng Việt trong thu xếp vốn dự án trọng điểm Xây dựng Hòa Bình (HBC) khi nào qua "cơn bĩ cực"?

Gương mặt "lạ mà quen"

Thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương hơn 307,6 triệu cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank là câu chuyện "nóng" thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong năm nay. Sau nhiều năm chờ đợi, Vietcombank cuối cùng đã tìm được đối tác nước ngoài hội tụ đầy đủ uy tín và tiềm lực tài chính, nhưng hóa ra lại là gương mặt không hề xa lạ - Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản.

Vietcombank bán vốn cho nhà đầu tư ngoại: Hé lộ danh tính đối tác và mức giá chào bán

ACBS cho rằng, thương vụ bán vốn ngoại của Vietcombank sẽ hoàn tất trong quý I/2025, song cũng còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường (Ảnh minh họa)

Dự kiến, Mizuho Bank sẽ được quyền mua 46,1 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành này, còn 261,4 triệu cổ phiếu thuộc về các nhà đầu tư khác. Theo kế hoạch mới công bố, ngày 19/8 tới, Vietcombank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thảo luận chi tiết hơn về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cũng như bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028 và sửa đổi một số nội dung trong Điều lệ, quy chế của ngân hàng.

Đến nay, Mizuho Bank vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại Vietcombank với tỷ lệ sở hữu 15% (hơn 838 triệu cổ phiếu), chỉ xếp sau Ngân hàng Nhà nước là 74,8% (hơn 4,18 tỷ cổ phiếu). Ngân hàng Nhật Bản trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietcombank từ năm 2011, thông qua thương vụ mua cổ phần trị giá khoảng 570 triệu USD.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Mizuho Bank trong quá trình phát triển của Vietcombank. Tiếp nhận nguồn nhân sự chất lượng với kinh nghiệm dồi dào, phong phú từ một trong 3 "đại ngân hàng" của Nhật Bản (bên cạnh SMBC và MUFG) góp phần đưa Vietcombank lên vị trí dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc Mizuho Bank tiếp tục rót tiền vào Vietcombank như lời khẳng định về mối quan hệ ngày càng khăng khít và bền chặt giữa hai bên.

Được và mất

Hiện tại, Vietcombank chưa công bố giá trị thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ sắp tới. Tuy nhiên, trong báo cáo vừa ra, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dựa trên dữ liệu phân tích P/E và P/B từ đợt phát hành cổ phiếu tương tự hồi năm 2019, đã ước tính 96.000 - 100.000 đồng là vùng giá tin cậy cho mỗi cổ phiếu riêng lẻ mới "ra lò" của Vietcombank.

ACBS cũng cho rằng, thương vụ sẽ hoàn tất trong quý I/2025, song cũng còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Nhóm phân tích đánh giá, điểm tích cực là sau khi kết thúc đợt chào bán, vốn chủ sở hữu của Vietcombank sẽ được bồi đắp đáng kể, qua đó tăng cường tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Cụ thể, nhiều khả năng CAR của Vietcombank sẽ được cải thiện thêm khoảng 2 điểm % (thời điểm cuối năm 2023 là 11,4%), tiếp tục bỏ xa yêu cầu tối thiểu là 8% theo quy định hiện hành.

"Đó là cơ sở giúp Vietcombank gia tăng năng lực cung ứng tín dụng ra nền kinh tế mà vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vốn của Basel III trong tương lai, đồng thời tạo dư địa chi trả cổ tức tiền mặt giai đoạn kế tiếp", ACBS viết trong báo cáo xuất bản ngày 2/7.

Đối lập với mặt tích cực, ACBS cũng lưu ý về việc tăng gần 20% quy mô vốn chủ sở hữu sẽ đẩy Vietcombank phải đối diện với áp lực duy trì hiệu quả sinh lời đang ở mức khá tốt của mình. ACBS dự báo ROE (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn) của Vietcombank sẽ giảm từ 20% hiện tại xuống 15% đến năm 2026 - tương đương mức trung bình ngành.

Như vậy, Vietcombank sẽ không còn giữ được vị thế lớn trong hệ thống về khả năng sinh lời ấn tượng đã trình diễn suốt nhiều năm qua.

Trên thị trường, cổ phiếu VCB đang được giao dịch ở mức 88.500 đồng/cp. Nếu mức chào bán được ấn định trong khoảng 100.000 đồng/cp (cao hơn gần 13% thị giá) sẽ là thông tin tốt dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt khi kết quả kinh doanh của ngân hàng đang thiếu điểm sáng.

Vì vậy, ACBS dự phóng giá mục tiêu mà cổ phiếu VCB sớm đạt được là 98.000 đồng/cp, ước tăng xấp xỉ 11% so với thị giá hiện nay, và đưa ra khuyến nghị khả quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vietcombank cho thấy, thu nhập lãi thuần đã giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14.078 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sụt giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là lãi từ hoạt động khác (giảm tới 53% còn 508 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối (giảm 30% còn 1.197 tỷ đồng), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (giảm 24% còn hơn 22 tỷ đồng) hay lãi từ dịch vụ (giảm 1% còn hơn 1.411 tỷ đồng).

Mặc dù nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, tuy nhiên, Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I giảm 4%, đạt hơn 10.718 tỷ đồng. Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng, như vậy sau ba tháng đầu năm, nhà băng đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/13/2024, tổng tài sản của Vietcombank cũng thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1,77 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng cùng giảm 3% so với năm ngoái, còn gần 1,23 triệu tỷ đồng và gần 1,35 triệu tỷ đồng.

Ngọc Anh

Theo: Báo Công Thương