Vietcombank được Chính phủ đồng ý bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.600 tỷ

21/09/2021 - 15:27
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank, đến cuối năm 2020.

Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank ( HoSE: VCB ). Theo quyết định, ngân hàng sẽ được bổ sung hơn 7.600 tỷ đồng theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

Vốn bổ sung từ nguồn cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank, đến cuối năm 2020.

Tại phiên họp thường niên 2021, Vietcombank được cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn từ 37.088 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng, thông qua 2 cấu phần. Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức 2019 (tỷ lệ 8% bằng tiền mặt).

Phần thứ hai, ngân hàng sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương phát hành hơn 307 triệu cổ phiếu cho tối đa 99 nhà đầu tư. Giá phát hành không thấp hơn định giá của tổ chức định giá và bình quân số học giá đóng cửa 10 phiên giao dịch trên HoSE, liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Thời gian thực hiện chào bán trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nêu chưa hoàn thành.

Với việc ngân hàng được bổ sung thêm vốn Nhà nước, cổ phiếu VCB của Vietcombank trở thành trụ cột chính cho thị trường, đóng góp 2,432 điểm vào VN-Index phiên hôm nay. Đóng cửa phiên, giá cổ phiếu VCB đạt 99.600 đồng/cp, tăng 2,5%. Có thời điểm, cổ phiếu đã tăng lên mức 101.000 đồng/cp.

Diến biến giá cổ phiếu VCB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Đến cuối tháng 6, Vietcombank có 47.496 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, bên cạnh thặng dư vốn gần 5.000 tỷ đồng và quỹ tổ chức tín dụng hơn 14.900 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 13.021 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020, tương đương 52% kế hoạch năm.

Tổng tài sản đến 30/6 ở mức gần 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với cuối năm trước. Tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 31% xuống 186.339 tỷ đồng. Đồng thời, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm tương đương xuống 23.226 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng hơn 913.758 tỷ đồng, tăng 9,7%. Nợ xấu ở mức 6.834 tỷ đồng, tăng 32%. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 20% lên 5.162 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,74%, tăng so với mức 0,6% cuối năm trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 352%, giảm so với mức 370% cuối năm trước. Dự phòng cụ thể tăng 30%, ở mức 17.525 tỷ đồng.

Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng giảm 19% xuống 82.012 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 1,052 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn 316.939 tỷ đồng, chiếm 30%, tương đương cuối năm trước.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán