Cụ thể, ĐHĐCĐ của Vinamilk đã đặt mục tiêu doanh thu của công ty cho năm 2021 là 62.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 11.240 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng doanh thu 4,1% và lợi nhuận giữ ổn định so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, Vinamilk sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới, chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời, quá trình cao cấp hóa danh mục sản phẩm vẫn tiếp tục được thực hiện một cách có chọn lọc. Ngoài ra, công ty sẽ mở rộng chuỗi giá trị từ trang trại, nhà máy đến hệ thống phân phối và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động tại các công ty thành viên.
Tại đại hội, Vinamilk cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý I/2021 ước đạt 13.241 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng, tương ứng đạt 21,3% và 23,2% kế hoạch năm.
ĐHĐCĐ của Vinamilk thống nhất chia cổ tức đợt cuối (đợt 3) của năm tài chính 2020 là 1.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng cổ tức trên của năm tài chính 2020 là 7.871 tỷ đồng, tương ứng 4.500 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức đạt 71% lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty mẹ. Mức cổ tức này thể hiện cam kết của công ty đối với nhà đầu tư và cổ đông trong việc duy trì chính sách cổ tức cao bằng tiền mặt.
Vinamilk, duy trì chính sách cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho cổ đông của công ty mẹ cho năm tài chính 2021 và thông qua tạm ứng cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu cho đợt 1/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến ngày 8/9/2021) và 1.400 đồng/cổ phiếu cho đợt 2/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến 31/12/2021).
Tại đại hội, các cổ đông của Vinamilk cũng thông qua việc từ nhiệm của hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Thắm; đồng thời nhất trí bầu bổ sung bà Tiêu Yến Trinh cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập và ông Hoàng Ngọc Thạch cho vị trí Thành viên HĐQT không điều hành.
Hiện tại, Bà Tiêu Yến Trinh đang là Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Kết Nối Nhân tài (Talentnet) và ông Hoàng Ngọc Thạch đang là Phó trưởng Ban Quản lý rủi ro Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Tại đại hội, Vinamilk cho biết, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón những thông tin tích cực trong quý I/2021, với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường “khó tính” Singapore. Trong quý I/2021, doanh thu xuất khẩu của Công ty ước tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ.
Các công ty con của Vinamilk đã ghi nhận những kết quả khả quan trong năm 2020, điển hình là Angkormilk với mức tăng trưởng gần 20% và Sữa Mộc Châu tăng trưởng hơn 10%. Cổ phiếu Sữa Mộc Châu đã chính thức được niêm yết trên sàn UPCOM chỉ sau chưa đầy 1 năm về với Vinamilk.
Các dự án liên doanh ViBev giữa Vinamilk và Công ty Kido, dự án liên doanh tại Philippines đang triển khai các hoạt động kinh doanh, khai thác thị trường như kế hoạch. Dự kiến các liên doanh này sẽ ra mắt sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vào quý III&IV/2021.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Tiêu biểu là việc đón thành công 2.100 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ về trang trại mới của Vinamilk tại Quảng Ngãi vào ngày 21/03/2021.
Theo kế hoạch, công ty cũng sẽ nhập khẩu hơn 5.000 con bò sữa cao sản để gia tăng tổng đàn cho các dự án trang trại trong năm nay.
Ngoài ra, trong năm 2021, Vinamilk sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn để mở rộng quy mô, cụ thể như: Dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Sơn La, Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào, Dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico…
Tại Đại hội, các nội dung về chiến lược phát triển bền vững cũng đã được Vinamilk báo cáo với cổ đông. Theo đó, phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp sẽ là các định hướng mũi nhọn được công ty tập trung để phát triển trong tương lai.
T.H
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ