Công ty CP Vinacafe’ Biên Hòa (HOSE: VCF) vừa công bố tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 12/4 tại Khu du lịch Tân Cảng (TP. Hồ Chí Minh).
Năm 2024, trên cơ sở nhận định nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, giá cà phê nhân Robusta tiếp tục tăng cao bất thường, HĐQT VCF đề xuất 2 kịch bản cho kế hoạch kinh doanh 2024. Kịch bản mức thấp, mục tiêu doanh thu 2.500 đồng và lãi sau thuế 470 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4% so với năm trước. Đối với kịch bản ở mức cao, doanh thu thuần dự kiến 2.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 11%.
Vinacafe’ Biên Hòa sắp trả cổ tức 250% bằng tiền mặt |
Nhìn lại năm 2023, VCF ghi nhận doanh thu thuần 2.353 tỷ đồng và lãi sau thuế 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 41% so với thực hiện 2022. Công ty cho biết do tăng trưởng doanh số từ ngành hàng cà phê hòa tan và nước tăng lực, cùng với việc tiết giảm chi phí đầu vào giúp lợi nhuận tăng.
Căn cứ kết quả đạt được, HĐQT Công ty trình cổ đông thông qua phương án không trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, thay vào đó chia cổ tức tiền mặt năm 2023 tỷ lệ 250% (25.000 đồng/cp), tương ứng dự chi hơn 664 tỷ đồng. Thời gian chi trả trong 6 tháng kể từ ngày được ĐHĐCĐ thông qua.
Trong lịch sử, VCF từng có nhiều lần chi trả cổ tức "khủng" cho cổ đông. Giai đoạn 2020-2021, VCF cũng trả cổ tức ở mức 25.000 đồng/cp. Đỉnh điểm, cổ tức năm 2017 lên đến 66.000 đồng/cp.
Hiện, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (công ty con của Masan Group) đang là cổ đông lớn nhất của VCF nắm giữ tới 98,49% vốn. Theo đó, Masan có thể hưởng lợi lớn trong đợt chia cổ tức này.
Vào cuối tháng 3/2024, cổ phiếu VCF dậy sóng trên sàn chứng khoán, tăng từ vùng giá 190.000 đồng/cp lên 240.000 đồng/cp (kết phiên 29/03), tương ứng tăng gần 21%. Kết phiên 04/04, thị giá VCF dừng ở mức 230.400 đồng/cp, vẫn giữ vị trí đứng đầu về thị giá trên sàn HOSE, bỏ xa mã xếp sau là FRT ở mức 149.000 đồng/cp.
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nếu đầu năm 2023, giá cà phê ở mức 40.000 đồng/kg thì bắt đầu từ tháng 5/2023, giá có dấu hiệu tăng lên và từ quý 3/2023, giá cà phê Robusta tăng rất mạnh lên mức 67.200 68.000 đồng/kg vào cuối tháng 11/2023 và kéo dài cho đến những ngày đầu năm 2024.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, trị giá 4,18 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 10% về lượng, nhưng tăng hơn 3% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2023 đạt mức 2.834 đô la Mỹ/tấn, tăng hơn 14% so với năm 2022.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 5,8% so với niên vụ 2022/2023, lên 178 triệu bao (60 kg/bao), trong đó sản lượng Arabica tăng 8,7% lên 102,2 triệu bao và Robusta tăng 2,2% lên 75,8 triệu bao.
Với kết quả này, Bộ Công Thương dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do sự thiếu hụt nguồn cung. Dự đoán đà tăng của giá cà phê thế giới sẽ chậm lại hoặc quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2024.
Ngoài ra, theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao vì lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Dự báo này ít nhiều có cơ sở vì trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì tồn kho cà phê Robusta thế giới trong niên vụ 2023/2024 đạt 26,5 triệu bao (loại 60kg), giảm 16,7% so với báo cáo trước đó và giảm 4% so với ước tính niên vụ 2022/2023.
Tuy nhiên, đà tăng của giá cà phê thế giới sẽ chậm lại hoặc quay đầu giảm trong nửa cuối năm 2024. Lý do được được ra là sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2023/2024 tăng.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 - 1,7 triệu tấn, từ con số 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023. Hiệp hội này cho rằng năm 2024, ngành cà phê Việt Nam cần chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Đặc biệt, về các khu vực xuất khẩu, tính trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang châu Á, châu Mỹ và châu Phi tăng, nhưng sang châu Âu và châu Đại Dương lại giảm. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Á, châu Phi tăng lần lượt từ mức 35,11% và 4,08% trong 11 tháng năm 2022 lên 37,72% và 5,57% trong 11 tháng năm 2023.
Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu và châu Đại Dương giảm từ 48,12% và 1,46% trong 11 tháng năm 2022 xuống còn 44,29% và 1,20% trong 11 tháng năm 2023. Trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta và chế biến tăng lần lượt 3,7% và 27,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2,71 tỷ USD và 776 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu cà phê Arabica và Excelsa giảm lần lượt 37,3% và 5,7%, đạt 145 triệu USD và 5 triệu USD.
Thành Thành Công - Biên Hoà sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu Thành Thành Công – Biên Hoà sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng, mệnh ... |
Thép Vicasa (VCA) loay hoay với bài toán di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hoà 1 Bên cạnh kết quả kinh doanh ảm đạm, thua lỗ, Thép Vicasa còn đang gặp khó trong việc di dời nhà máy ra khỏi khu ... |
Chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc rút bớt vốn khỏi Thành Thành Công – Biên Hòa Bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) đăng ký bán 15 triệu cổ ... |
Tiểu Vy