Như vậy, hai tổ chức này trở thành những doanh nghiệp Mỹ mới nhất tham gia chiến dịch đình chỉ kinh doanh với Moscow liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Mastercard cho biết đã quyết định dừng dịch vụ mạng ở Nga. Theo thông báo, công ty cho biết hoạt động dừng giao dịch sẽ được khôi phục lại dựa theo tình hình căng thẳng xung quang Ukraine.
Về phần mình, Visa cho biết sẽ "ngay lập tức" phối hợp với khách hàng và đối tác ở Nga để dừng mọi giao dịch Visa trong những ngày tới. Visa và Mastercard thông báo rằng họ đang tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhiều nước áp đặt lên Nga do liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine.
Trước Mastercard và Visa, Công ty thanh toán PayPal Holdings Inc cũng đã quyết định đóng cửa các dịch vụ tại Nga, nhằm phản đối các hành động của Nga đối với Ukraine.
Visa hồi đầu tuần này cho biết, họ đang nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt hiện hành áp lên Nga, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tài trợ 2 triệu USD cho hoạt động nhân đạo của Ukraine.
Trong một tuyên bố riêng, Mastercard cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý trong những ngày tới để tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt. Tương tự Visa, Mastercard cũng cam kết sẽ đóng góp 2 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo.
Sau khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, nhiều ngân hàng, hãng hàng không và doanh nghiệp đã cắt đứt quan hệ với Nga. Mới đây, Apple, Samsung thông báo đã ngừng vận chuyển các sản phẩm đến Nga. Các nền tảng mạng xã hội của Mỹ như Facebook và Twitter cũng đã có các hành động nhằm ngăn chặn sự lan truyền tin tức của các hãng truyền thông có liên quan đến Chính phủ Nga.
Các nhà phát triển game như EA và CD Projekt Red cũng đã dừng bán hàng tại Nga. Google đã dừng các hoạt động bán quảng cáo tại Nga. Nhà cung cấp máy tính PC lớn nhất cho Nga - HP, cũng đã ngừng xuất khẩu sản phẩm sang Nga. Intel Corp cũng có động thái tương tự.
Minh Ngọc
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ