Sau tuần giao dịch kém tích cực trước đó, chỉ số VN-Index tiếp tục điều chỉnh giảm 0,8% xuống mức 1.254,6 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần 22/7. Cổ phiếu nhóm Ngân hàng và Thực phẩm - Đồ uống là hai ngành hiếm hoi có diễn biến tích cực với đà tăng của TCB (+1,1%), CTG (+0,8%), VCB (+0,2%), SBT (+2,7%) và MSN (+1,7%). Khối ngoại đã có ngày mua ròng thứ tư liên tiếp với giá trị hơn 450 tỷ đồng, tập trung vào các mã SBT, FPT và POW.
Chưa dừng lại, lực bán chiếm ưu thế đã khiến VN-Index giảm hơn 1,8% về mức 1.231,1 điểm trong phiên ngày 23/7. FPT (+1,1%) là một trong số ít những cổ phiếu giữ được sắc xanh với kết quả kinh doanh quý II khả quan khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ.
Bước sang phiên 24/7, VN-Index đã phục hồi trở lại khi tăng 6,7 điểm lên mức 1.238,5. GVR (+6,9%) là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào chỉ số trong khi khối ngoại đã mua ròng trở lại sau khi bán ròng vào phiên hôm trước, tập trung vào các mã VNM, HPG và BID.
Đến phiên 25/7, VN-Index giảm 0,4% xuống mức 1.233,2 điểm trong khi thanh khoản đã giảm gần 40% so với phiên trước đó. Bất động sản và Hóa chất là hai ngành đi ngược thị trường nhờ diễn biến tích cực của VIC (+1,7%), BCM (+3,3%) và GVR (+0,9%).
Cuối tuần (26/7), VN-Index đã có phiên giao dịch tích cực nhất trong hơn 2 tuần vừa qua khi tăng 8,9 điểm và lấy lại mốc 1.240 điểm. Khối ngoại đã mua ròng với giá trị gần 400 tỷ đồng, tập trung vào các mã KDC, VCB và BID.
Dù hồi phục tốt vào phiên 26/7 nhưng tính chung cả tuần VN-Index giảm 22,67 điểm (-1,79%), kết tuần tại 1.242,11 điểm; HNX- Index kết tuần tại mốc 236,66 điểm (-3,86 điểm, tương ứng -1,6%) và UPCOM-Index giảm 1,7% xuống mức 95,2 điểm.
Tuần này, BCM (+6,9%), MSN (+4,2%) và VIC (2,1%) là các mã chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, HVN (-20,1%), BID (-3%) và CTG (-4%) là các nhân tố gây áp lực lên chỉ số. Thanh khoản tuần này giảm 17,4% so với tuần trước đó xuống 16.098 tỷ đồng/phiên.
Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể xây nền và tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260 điểm (ảnh Tuệ An). |
Điểm đáng lưu ý là khối ngoại đã có một tuần mua ròng với +420,387 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã KDC (+470 tỷ), SBT (+439 tỷ), VNM (+232 tỷ) và MSN (111,6 tỷ)... Ở chiều ngược lại, DGC (-419,5 tỷ), SSI (-288,8 tỷ)... Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại sàn HNX với -13,068 tỷ đồng, tập trung tại các mã LAS (-23,9 tỷ), DTD (-12 tỷ) và TIG (-11,6 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với PVS (+32,3 tỷ), MBS (+11 tỷ), IDC (+10,3 tỷ)...
Xét theo nhóm ngành, Viễn Thông là ngành giao dịch tích cực nhất trên thị trường tuần này với các mã FOX (+5,11%), TTN (+7,74%), FOX (+5,11%)... Ngoài nhóm Viễn Thông, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như nhóm Điện Nước & Xăng Dầu, tiêu biểu như các mã POW (+1,88%), CNG (+7,99%), REE (+1%),...
Nhóm Hàng không ngoại trừ HVN (-20,08%) thì đa phần đều giao dịch trong sắc xanh với ACV (+5,69%), VJC (+2,08%), NAS (+12,5%), NCT (+0,63%)... Nhóm cổ phiếu Thực Phẩm và Đồ Uống cũng tăng giá tích cực với VNM (+0,77%), KDC (+2,65%)... và đặc biệt là cổ phiếu MSN (+4,23%) sau khi ra báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm cải thiện hơn 4% lên gần 39.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 64% lên 1.424 tỷ đồng.
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành Chứng khoán với SSI (-7,76%), VCI (-5,16%), VIX (-12,66%), BSI (-7,55%), CTS (-11,9%), MBS (-8,93%)... nhóm ngành Ngân hàng cũng giao dịch kém tích cực với LPB (-8,7%), MBB (-4,33%), ACB (-3,98%), CTG (-4,04%), BID (-3,04%)... Đa số cổ phiếu ngành Bảo Hiểm có một tuần giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là trụ BVH (-5,57%%), MIG (-5,97%), BMI (-3,37%),...
Nhận định xu hướng thị trường tuần tới, các chuyên gia của VNDirect cho biết: “Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn và phục hồi sau khi về vùng thấp nhất là 1.218 điểm trong tuần giao dịch vừa qua. Điểm đáng lưu ý là lực bán đã suy yếu đáng kể còn lực cầu có dấu hiệu cải thiện nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tuần.
Bước sang tuần giao dịch tới, xu hướng thị trường có thể được xác nhận khi những thông tin quan trọng sắp được công bố, bao gồm: (1) số liệu vĩ mô trong nước tháng 7, (2) Fed đưa ra những cập nhật trong cuộc họp cuối tháng 7 về lộ trình cắt giảm lãi suất và (3) thời hạn công bố báo cáo KQKD quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể xây nền và tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260 điểm trong tuần giao dịch tới. Với định giá thị trường đã về mức hấp dẫn hơn, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể “bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới”, tập trung vào một số nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như Ngân hàng, Tiêu dùng-bán lẻ và Xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, các nhà giao dịch ngắn hạn cần chờ đợi thị trường “xác nhận xu hướng ngắn hạn” và “sự cải thiện của dòng tiền” trước khi gia tăng vị thế nắm giữ cổ phiếu”.
|
Tân An