Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động không mấy tích cực trong quý đầu tiên của năm 2022 trước ảnh hưởng từ những thông tin liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC hay việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm,...
Kết phiên cuối tháng 3/2022, VN-Index đứng ở mức 1.492,15 điểm - giảm 0,41% so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 5,14% xuống 449,62 điểm; UpCOM-Index tăng 3,87% lên 117,04 điểm.
Khối ngoại bán ròng ở mức 70,3 triệu cổ phiếu trong quý I/2022 - tương ứng giá trị bán ròng đạt 6.561 tỷ đồng.
Tại sàn HOSE, khối ngoại có quý bán ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị đạt 7.275 tỷ đồng. MSN là cổ phiếu bị khối ngoại sàn HOSE bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 5.707 tỷ đồng; VIC và HPG đều có giá trị bán ròng trên 3.000 tỷ đồng; NVL bị bán ròng 2.136 tỷ đồng.
Trong khi đó, STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 2.026 tỷ đồng; DGC và VHM được mua ròng lần lượt 1.891 tỷ đồng và 1.094 tỷ đồng.
Tính chung cả 7 quý vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 79.784 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại trong quý I với giá trị 164 tỷ đồng với PVS được khối ngoại mua ròng mạnh nhất - đạt 131 tỷ đồng; PVI và IDC được mua ròng lần lượt 104 tỷ đồng và 92 tỷ đồng. Trong khi đó, TNG bị bán ròng mạnh nhất sàn này với giá trị 230 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là NTP với 47 tỷ đồng.
Trên UpCOM, khối ngoại cũng mua ròng trở lại 550 tỷ đồng trong đó cổ phiếu QNS hút ròng 295 tỷ đồng; BSR và QTP được mua ròng lần lượt 92 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Ngược lại, SGB bị bán ròng mạnh nhất với 309 tỷ đồng; ABC đứng sau với giá trị bán đạt 39 tỷ đồng.
Minh Hiếu
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam