Tuần từ 09 - 13/01/2023, VN-Index tăng tổng cộng 8,73 điểm (+0,83%) so với cuối tuần trước, lên mức 1.060,17 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,61 điểm (+0,29%), kết thúc tuần ở mốc 211,26 điểm.
Trái ngược với đà tăng điểm, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm mạnh đến 20,65% so với tuần trước đó, về còn gần 436 triệu cổ phiếu/phiên. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX giảm 16,52%, xuống gần 51 triệu cổ phiếu/phiên.
VCB một lần nữa trở thành trụ cột chính giúp VN-Index tăng điểm trong tuần qua khi kéo tăng hơn 2,3 điểm. Tương tự, cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM xếp thứ hai cũng kéo tăng hơn 2,3 điểm.
Sức kéo của VCB vẫn được duy trì trong bối cảnh Công ty vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức ngày 30/01/2023. Theo đó, HĐQT Vietcombank dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đồng thời, Vietcombank cũng dự kiến trình kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2023.
Bên cạnh cổ phiếu VCB, có 5 cổ phiếu ngân hàng khác bao gồm ACB, VPB, VIB, CTG và STB cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần. Tinh chung cả 6 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đã giúp chỉ số tăng gần 6 điểm. Mặt khác, vẫn có một số cổ phiếu thuộc nhóm này có những biểu hiện tiêu cực như EIB và OCB, tuy nhiên, tổng điểm kéo giảm chỉ có 0,83 điểm.
Trong nhóm kéo tăng thể hiện sức mạnh thông qua các cổ phiếu như VCB và VHM, nhóm kéo giảm lại hoàn toàn yếu thế hơn khi cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất là VIC chỉ làm mất của chỉ số hơn 1 điểm.
Bên cạnh VIC, một số cổ phiếu bất động sản khác như NLG, VRE, KDH và BCM cũng kéo giảm chỉ số tổng cộng hơn 1,2 điểm.
Rổ VN30 trong tuần qua ghi nhận sự áp đảo của sắc xanh. Có đến 19 cổ phiếu hỗ trợ chỉ số tăng, trong khi chỉ có 11 mã kéo giảm. Dẫn đầu nhóm kéo tăng là ACB với hơn 3,1 điểm, còn ở nhóm kéo giảm là MWG với hơn 1,2 điểm.
HNX-Index nối dài đà tăng điểm trong tuần qua chủ yếu đến từ lực kéo của IDC. Cổ phiếu hỗ trợ gần 0,8 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực là KSF với hơn 0,9 điểm kéo giảm.
Về hoạt động của khối ngoại, sự tích cực vẫn được duy trì gần như xuyên suốt tuần nhưng đã bất ngờ bán ròng thỏa thuận ở phiên cuối tuần, tổng giá trị bán ròng cả tuần 9-13/1 đạt 1.372 tỷ đồng, dứt chuỗi 9 tuần liên tiếp mua ròng trên thị trường Việt Nam.
Cụ thể nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng 1.958 tỷ đồng, tuy nhiên bán ròng 3.330 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại tiếp tục ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu thép HPG với giá trị hơn 335 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom mạnh cổ phiếu CTG, VHM, VCI và các chứng chỉ quỹ FUEVFVND, E1VFVN30, giá trị đều trên 100 tỷ đồng tại mỗi mã.
Ngược lại, cổ phiếu EIB tuần qua bị khối ngoại bán ròng đột biến gần 3.400 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận. Đồng thời, các mã khác như DGC, VCB. DCM,… cũng bị bán ròng trong tuần qua tuy nhiên giá trị chỉ khoảng 30-60 tỷ đồng trên mỗi cổ phiếu.
Nguyên Nam