VNBA góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

19/02/2021 - 16:44
(Bankviet.com) Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (thay thế Thông tư 219/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015).

Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến từ các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên và căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, công văn của VNBA góp ý vào một số nội dung chính như sau:

Về xây dựng kế hoạch tài chính

Khoản 2 Điều 8 dự thảo Thông tư quy định: “Định kỳ hàng năm …, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước… xây dựng kế hoạch tài chính của năm tiếp theo gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính… Biểu mẫu báo cáo được lập theo Phụ lục 2 – Mẫu số 02 A “Kế hoạch tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước - công ty mẹ” và Mẫu số 02B “Kế hoạch Tài chính - Báo cáo hợp nhất của doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con” ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì TCTD là ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu vốn nhà nước trên 50% thuộc đối tượng áp dụng theo điều khoản này. Tuy nhiên, các mẫu biểu quy định tại Phụ lục 02 đính kèm dự thảo chỉ phù hợp với các doanh nghiệp khác không phải là TCTD. Hiện các TCTD đang thực hiện việc lập Kế hoạch tài chính và giám sát tài chính theo hướng dẫn của Thông tư 12/2018/TT-BTC ngày 31/1/2018, Thông tư 114/2020/TT-BTC ngày 30/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với hoạt động ngân hàng. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét loại trừ TCTD khi áp dụng quy định tại các điều khoản này, tránh chồng chéo khi thực hiện các văn bản quy định của pháp luật.

Về chế độ báo cáo và tổng hợp báo cáo

Khoản 2 Điều 9 dự thảo Thông tư quy định: “Doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện lập, trình bày và gửi Báo cáo Tài chính năm theo biểu mẫu, thời hạn nộp và nơi nhận báo cáo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán do Bộ Tài chính ban hành…”.

Người đại diện phần vốn nhà nước… ngoài việc thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, căn cứ báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo của các công ty này và gửi về cơ quan đại diện chủ sở hữu để làm cơ sở giám sát tài chính và đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

Ngoài các báo cáo nêu trên, người đại diện phần vốn Nhà nước phải thực hiện lập và gửi các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý Nhà nước. Nội dung (biểu mẫu), thời hạn báo cáo căn cứ vào yêu cầu cụ thể của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo quy định người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung lần 1 tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP và lần 2 tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP: “… Định kỳ trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi quý và 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp, người đại diện phần vốn nhà nước báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính và kiến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp mà mình được cử làm đại diện vốn nhà nước. Báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.”. Tuy nhiên, Phụ lục III nghị định 140/2020/NĐ-CP lại là mẫu về biên bản xác định kết quả đấu giá, không phải mẫu biểu về báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài trách nhiệm trên, dự thảo Thông tư quy định người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo… theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này. Tuy nhiên, đối chiếu với phụ lục 3 đính kèm dự thảo Thông tư là mẫu biểu báo cáo chỉ tiêu ngoại bảng bao gồm Mẫu số 01 – Báo cáo chỉ tiêu ngoại bảng – Công ty mẹ; Mẫu 02 – Chỉ tiêu ngoại bảng – Báo cáo hợp nhất của doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, đây là mẫu biểu báo cáo áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (theo quy định tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Thông tư).

Như vậy, nội dung tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 140/2020/NĐ-CP và quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP chưa thống nhất về nội dung, mẫu biểu báo cáo.

Liên quan đến báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh từ năm 2018 đến năm 2020, Người đại diện vốn nhà nước thực hiện báo cáo mẫu biểu quy định tại Phụ lục 3 Nghị định 32/2018/NĐ-CP (theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP và hiện nay đã được sửa đổi tại khoản 17 điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP như đã nêu trên).

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét: (i) Rà soát các nội dung báo cáo quy định tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Thông tư và quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP để đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung báo cáo và mẫu biểu báo cáo; (ii) Bổ sung quy định mẫu biểu báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh chi tiết để thuận lợi cho quá trình triển khai; (iii) Đối với việc lập báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phù hợp với pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, tại Phụ lục 03 kèm theo dự thảo quy định chủ thể thực hiện báo cáo là “Cơ quan, đơn vị báo cáo”; phần ghi chú cũng quy định “…doanh nghiệp căn cứ vào số liệu theo dõi trên sổ sách kế toán để nhập số liệu vào mẫu biểu”. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định theo hướng trách nhiệm báo cáo là của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (thay vì quy định việc người đại diện phần vốn nhà nước) phải thực hiện báo cáo. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về báo cáo đột xuất (các trường hợp được yêu cầu báo cáo đột xuất, phạm vi thông tin cung cấp…) để tránh trường hợp xảy ra việc các cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều cấp khác nhau yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện lập và gửi báo cáo đột xuất khiến người đại diện phần vốn nhà nước không rõ trường hợp nào phải đáp ứng yêu cầu, trường hợp nào được từ chối; cách xử lý trong trường hợp thời hạn báo cáo chưa phù hợp hay nội dung yêu cầu báo cáo chưa phù hợp (ví dụ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng không phù hợp quy định pháp luật…)

Về Phụ lục 01 - Quy chế mẫu về bán đấu giá chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Dự thảo Quy chế có một số nội dung khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản (năm 2016) như: giải thích từ ngữ về Bước giá; bổ sung quy định về bước khối lượng; quy định nhà đầu tư phải đặt cọc khi đăng ký tham gia đấu giá (tuy nhiên theo Điều 39 Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá chỉ cần đặt tiền trước và trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được ơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của Luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp đấu giá chứng khoán và đấu giá đối với tài sản nhà nước.

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo lưu ý về nguyên tắc áp dụng pháp luật về đấu giá tài sản để xây dựng nội dung của Quy chế bán đấu giá đính kèm dự thảo Thông tư cho phù hợp.

Khoản 4 Điều 5 dự thảo Quy chế mẫu tại Phụ lục 01 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần, quy chế mẫu về bán đấu giá chuyển nhượng vốn như sau: “4. Quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá và công bố Quy chế bán đấu giá”.

Để phù hợp với Quy chế đấu giá mẫu ban hành kèm theo Quyết định 586/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 06/07/2018, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa đổi như sau: “4. Xây dựng và ban hành Quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá cổ phần và Quy chế bán đấu giá cổ phần”.

Các Phụ lục ban hành kèm theo mẫu Quy chế là các biểu mẫu (mẫu Đơn đăng ký tham gia mua cổ phần vốn góp; Mẫu giấy ủy quyền…) vì vậy đề nghị đặt tên là các mẫu đính kèm Quy chế (không gọi là “Phụ lục” để tránh nhầm lần với các Phụ lục đính kèm Thông tư).

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Thông tư quy định ban hành kèm theo Thông tư này là Quy chế mẫu bán đấu giá công khai và chào bán cạnh tranh. Phạm vi áp dụng tại dự thảo Quy chế mẫu quy định áp dụng đối với hình thức bán đấu giá công khai và chào bán cạnh tranh vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, tên Quy chế hiện chỉ quy định về bán đấu giá chuyển nhượng vốn; toàn bộ nội dung của Quy chế cũng chủ yếu quy định về hoạt động đấu giá; có 1 nội dung liên quan đến chào hàng cạnh tranh tại khoản 3 Điều 14 về xác định kết quả chào bán.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 38a và Khoản 4 Điều 29a Nghị định 91 hiện có quy định việc chào bán cạnh tranh phải thực hiện theo quy định tại quy chế phiên chào bán cạnh tranh. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét lại về kết cấu của Quy chế mẫu cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh đối với quy chế bán đấu giá và quy chế chào bán cạnh tranh, đồng thời cẩn chỉnh sửa thống nhất tên gọi của Quy chế với nội dung trích dẫn tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Thông tư và phạm vi áp dụng tại dự thảo Quy chế cho thống nhất.

T.Dũng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: